(HNM) - Thời điểm này, Đảng bộ TP Hà Nội đang hoàn tất công tác chuẩn bị để trong tháng 8 tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ba nội dung theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đối với tập thể Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy và cá nhân từng Ủy viên BTV. Nghiêm túc, thận trọng, thật sự phát huy dân chủ vì sự vững mạnh của mỗi tổ chức, cá nhân và sự nghiệp chung của toàn Đảng là mục đích của đợt kiểm điểm này.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố đã nghỉ hưu đề xuất các phương pháp đóng góp ý kiến tại hội nghị tham gia đóng góp kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy. Ảnh: Bá Hoạt |
Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, an ninh chính trị có những diễn biến phức tạp, xung đột vũ trang diễn ra tại nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới. Điều đó càng đòi hỏi quyết tâm của từng tổ chức Đảng (TCĐ), mỗi đảng viên khi triển khai Nghị quyết, nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân. Vừa lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng thời cùng một lúc Đảng bộ TP Hà Nội phải thực hiện ba phần việc: Tham gia góp ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ; chuẩn bị kiểm điểm ở cấp mình và chỉ đạo các Đảng ủy trực thuộc thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Nghị quyết. Phần việc nào cũng quan trọng cần được triển khai nghiêm túc, biện pháp tiến hành phải hết sức linh hoạt, sáng tạo. Vì vậy, Hà Nội đã chú trọng đổi mới hình thức học tập, quán triệt nội dung gắn với thảo luận tìm giải pháp thực hiện Nghị quyết một cách bài bản, có hệ thống từ thành phố đến quận, huyện và xã, phường, chi bộ cơ sở, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Cùng với đó, Thành ủy đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời giải đáp vướng mắc, giúp cấp ủy trực thuộc tổ chức các bước đúng tiến độ, đạt yêu cầu.
Cho đến nay, cả ba phần việc quan trọng trên đều thực hiện một cách đồng bộ và nhuần nhuyễn. Từ thực tiễn ở địa phương, Thành ủy đã đóng góp ý kiến kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và một số bộ, ban, ngành TƯ. Các ý kiến góp ý hết sức thẳng thắn, có tính chiến đấu, thể hiện trách nhiệm của Đảng bộ Thủ đô đối với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, được TƯ đánh giá cao. Bên cạnh đó, BTV Thành ủy đã chỉ đạo lấy ý kiến góp ý của cấp ủy trực thuộc, sở, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của TP đã nghỉ hưu đối với việc kiểm điểm của tập thể BTV và cá nhân từng đồng chí Ủy viên BTV Thành ủy. Đã có 107 cơ quan, đơn vị với hơn 830 lượt ý kiến chân thành, thẳng thắn góp ý về ưu điểm, hạn chế, yếu kém, những vấn đề nổi cộm cần tăng cường sự chỉ đạo của BTV Thành ủy. Đây chính là cơ sở quan trọng để BTV Thành ủy xây dựng báo cáo, tiến hành kiểm điểm tự phê bình, phê bình và tìm cho được những giải pháp khắc phục. Thời điểm này, hầu hết Đảng ủy trực thuộc Thành ủy đã triển khai và hoàn thành việc lấy ý kiến góp ý cho tập thể, từng cá nhân cấp ủy về những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ba nội dung Nghị quyết đề cập, với sự kỳ vọng sẽ tạo nên sự chuyển biến thực sự sau đợt xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này.
Ngoài nhóm giải pháp kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Đảng bộ TP Hà Nội đang từng bước cụ thể hóa các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, công tác cán bộ, tuyên truyền, giáo dục. Trong sáu tháng qua, các ban Đảng đã chủ động tham mưu cho Thành ủy xây dựng chương trình, đề án, chuyên đề về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 gắn với 9 Chương trình công tác của BCH Đảng bộ TP. Sau khi rà soát, Hà Nội đã sắp xếp, củng cố, kiện toàn mô hình TCĐ, hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố ở xã, phường, thị trấn cho đồng nhất. Một nghị quyết chuyên đề tăng cường xây dựng TCĐ, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước cũng được Thành ủy ban hành và rốt ráo chỉ đạo. Sau hơn năm tháng, gần 50 TCĐ, hơn 200 tổ chức đoàn thể đã được thành lập trong khu vực này. Tiếp đó, đề án đào tạo 1.000 cán bộ nguồn giai đoạn 2010-2015 chính thức được khởi động với việc khai giảng ba lớp cán bộ nguồn Kiểm tra, Tuyên giáo, Tổ chức xây dựng Đảng (300 học viên), chuẩn bị khai giảng lớp cán bộ nguồn Văn phòng cấp ủy, Dân vận, cán bộ nguồn cho cơ sở…
Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng các quy chế, quy định về tiêu chuẩn các chức danh cán bộ lãnh đạo; thi tuyển cạnh tranh một số chức danh lãnh đạo các sở, ngành; thực hiện cơ chế, chế độ chính sách với cán bộ; đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc, cơ sở vật chất của các cơ quan hành chính nhà nước, nhất là cấp xã, phường. Có thể nói, tất cả khâu chuẩn bị đang được các cấp ủy hoàn tất, bảo đảm cho việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình đối với tập thể, cá nhân Ủy viên BTV cấp ủy đạt mục đích, yêu cầu của TƯ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.