(HNM) - Đến hôm nay, nhiều người vẫn còn kinh hãi trước vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm 12-8. Một chiếc xe ô tô đã bất ngờ lao vào một cây xăng trên đường Láng (quận Đống Đa), lúc này đang có rất nhiều người dừng đổ xăng. Hậu quả là 8 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Đáng nói là người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt nhiều lần so với mức vi phạm tối đa được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.
Vì thế, tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, mức xử lý đối với “ma men” điều khiển phương tiện tăng rất nặng. Đi cùng với đó, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, tập trung vào các tuyến đường có nhiều quán nhậu, khung giờ đông người uống rượu, bia.
Còn nhớ, thời điểm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều quán nhậu đã chủ động nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện, bố trí nơi giữ xe cho khách. Khách hàng cũng chủ động sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe riêng. Rồi nhiều hoạt động truyền thông “Đã sử dụng rượu, bia - không lái xe” được tổ chức rầm rộ. Báo chí cũng đưa tin, lượng tiêu thụ bia, rượu giảm mạnh khi nhiều người bỏ thói quen đi nhậu ngoài hàng quán.
Tuy nhiên, theo thời gian, hoạt động kiểm tra vẫn diễn ra liên tục nhưng có vẻ ý thức “Đã sử dụng rượu, bia - không lái xe” không còn được duy trì. Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng kể trên, lực lượng Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên chính tuyến đường Láng và phát hiện, xử lý không ít trường hợp lái xe khi đã sử dụng rượu, bia. Có cả chuyện bảo vệ nhà hàng thông báo cho khách đi đường khác để tránh chốt kiểm tra. Không ít người tặc lưỡi nghĩ uống một chút vẫn có thể điều khiển phương tiện an toàn, mà không nghĩ rượu, bia có thể khiến không làm chủ tay lái, tai nạn giao thông xảy ra gây thiệt hại cho bản thân mình và cả những người xung quanh.
7 tháng năm 2022, cả nước xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 3.700 người chết. Như vậy, bình quân mỗi ngày có hơn 30 vụ tai nạn giao thông, có 18 người ra đi vì những hành vi bất cẩn gây ra tai nạn giao thông, trong đó có sử dụng rượu, bia. Vì thế, xử lý nghiêm khắc “ma men” cầm lái vẫn là việc phải làm thường xuyên, liên tục. Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia cần phải được thông tin, cảnh báo rộng rãi, để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn tặc lưỡi nghĩ uống một chút vẫn có thể điều khiển phương tiện an toàn. Đi cùng với đó, hoạt động truyền thông phải tiếp tục được đẩy mạnh, vì để thành ý thức và thói quen “Đã sử dụng rượu, bia - không lái xe” không phải là chuyện ngày một, ngày hai.
Dư luận cũng mong rằng, các chủ quán nhậu thay vì chỉ khách tránh chốt kiểm tra thì hãy nhắc khách hàng sử dụng phương tiện công cộng về nhà khi đã uống rượu, bia. Khi ý thức chưa nghiêm thì kiểm tra, xử phạt là cách xây dựng ý thức. Khi chưa thành thói quen không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia thì truyền thông, nhắc nhở giúp người ta bảo vệ chính mình và người xung quanh, mà không phải hối tiếc khi tai nạn xảy ra.
Đừng nghĩ sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện là chuyện cũ, biết rồi, mà phải nhắc nhở thường xuyên, kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc với "ma men" khi hằng ngày vẫn còn người chết vì tai nạn giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.