(HNM) - Trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông thường được nói đến, ngoài mấy vấn đề muôn thuở như hạ tầng đường sá bất cập, dân số và phương tiện cá nhân phát triển nhanh, ý thức giao thông người dân còn kém... thì một lý do góp phần không nhỏ vào việc ùn tắc là sự hiện diện đến vô lý của những chiếc xe buýt to cồng kềnh trên đường phố vốn dĩ đã quá chật hẹp của Thủ đô ta.
Ở những tuyến phố như Bạch Mai, La Thành, Khâm Thiên, Yết Kiêu, Nguyễn Khuyến, Lò Đúc... một chiếc xe buýt đã chiếm mất nửa, thậm chí già nửa lòng đường, chưa kể những phố đã được chia đôi luồng bằng dải phân cách thì xe buýt càng làm cho sự lưu thông của các phương tiện thêm khó khăn.
Gần đây, một giải pháp tình thế để "tăng cường năng lực giao thông" là chắn một số ngã ba, ngã tư buộc xe cơ giới phải rẽ phải và chỉ được quay đầu ở những lối quy định, thì chỉ một "anh" xe buýt "siêu trường" mở "cua" trong giờ tan tầm đã có thể là nguyên nhân gây ùn tắc cục bộ một thời gian không ngắn.
Xe buýt là một trong những giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Bởi vậy, trong giai đoạn đầu khuyến khích người dân di chuyển bằng phương tiện này, người ta đã cho xe buýt nhiều ưu tiên, trong đó "được phép hoạt động" cả trên những tuyến đường cấm ô tô... Và phải thẳng thắn mà nói, dư luận cho rằng bởi được sự ưu ái, "nuông chiều" ấy nên đã có một bộ phận lái, phụ xe buýt hoạt động có phần tùy tiện và bất cẩn. Nên có nghịch lý, trong nhiều trường hợp, xe buýt không những không đạt mục tiêu "giảm phương tiện cá nhân, chống ùn tắc" mà còn gây ùn tắc trên đường.
Điều này người dân đã nhận ra khá lâu, nhưng vì lý do "tế nhị" nên... ngại nhắc đến, vì chủ trương ưu tiên phát triển mạng lưới xe buýt vừa ban hành, đang cần dư luận ủng hộ, không lẽ...
Nhưng, thực tiễn bao giờ cũng là minh chứng sinh động nhất cho dư luận và lãnh đạo thành phố, qua thu nhận thông tin từ người dân, cũng đã thừa nhận những nhược điểm phát sinh từ "mặt trái" của hoạt động xe buýt. Bằng chứng là tại hội nghị tổng kết công tác sản xuất, kinh doanh năm 2009 (ngày 19-1) của Tổng Công ty Vận tải (Transerco), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo phải tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới xe buýt, trong đó nhấn mạnh chỉ nên để "Xe có sức chứa lớn chạy các tuyến đường dài, còn xe nhỏ chạy các tuyến nội đô nhằm giảm ùn tắc"...
Vậy là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã rõ ràng. Và được biết, lãnh đạo Transerco cũng đã tiếp thu và đề ra một kế hoạch khá cụ thể, trong đó có nâng cấp hạ tầng, đổi mới công nghệ, loại bỏ xe cũ và thay thế xe phù hợp, kéo dài tuyến đến những khu vực mới mở rộng, các tuyến đường mới hoàn thành, quản lý điều hành bằng công nghệ định vị GPS, thẻ từ, phần mềm... để theo kịp và phù hợp với sự phát triển của Thủ đô mở rộng... Với người tham gia giao thông, đó cũng là tin vui.
Học tập các thành phố nước bạn, nhưng áp dụng sáng tạo và linh hoạt vào điều kiện cụ thể của ta, đó là việc đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng trước nay vẫn làm. Thay thế xe buýt nhỏ chạy trong nội đô cũng chính là thực hiện sáng tạo phương châm ấy. Dư luận người dân mong ngành chức năng sớm biến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố thành hiện thực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.