Nhóm nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy một nghĩa địa hóa thạch chứa đựng bằng chứng rõ ràng về ngày thiên thạch lớn đâm xuống Trái đất gần 66 triệu năm trước...
Hóa thạch cá 66 triệu năm tuổi do nhóm nhà cổ sinh vật học Mỹ và Anh tìm thấy. Ảnh: CNN |
Hãng CNN đưa tin, các nhà cổ sinh vật học tại Đại học Kansas (Mỹ) và Đại học Manchester (Anh) đã tìm ra khu vực tập trung những hóa thạch cá, động vật và thực vật còn nguyên vẹn đến kinh ngạc ở North Dakota. Chúng bao gồm những con cá có cát nóng trong mang, cây cháy rụi, dấu vết về một trận sóng thần đất liền cùng với hổ phách nóng chảy.
Theo nghiên cứu gây chấn động giới khoa học vừa được công bố ngày 1-4, sức tác động của thiên thạch -tạo ra hố Chicxulub phía dưới bán đảo Yucatan ở Mexico - là một trong những sự kiện gây tàn phá mạnh nhất trong lịch sử Trái đất, xóa sổ đến 75% các loài thực vật và động vật trên hành tinh này.
Sự tàn phá sau khi thiên thạch đâm xuống Trái đất còn bao gồm những đợt sóng thần khổng lồ và những dòng nham thạch nóng bỏng chứa đá, bụi và thủy tinh cháy rực lửa.
“Một cơn sóng thần phải mất ít nhất 17 giờ hoặc hơn để ập đến khu vực này từ hố nứt, tuy nhiên, các đợt sóng địa chấn sẽ ập đến trong vài chục phút”, ông Robert DePalma, tác giả bài nghiên cứu cho biết.
Tại khu vực nghĩa địa hóa thạch nằm trong vỉa Hell Creek ở North Dakota, cơn sóng đã để lại số lượng lớn cá nước ngọt, động vật có xương sống trên cạn, cây cối, cành cây, ốc biển cùng các sinh vật biển khác.
“Không nơi đâu quy tụ số lượng lớn hóa thạch như thế”, Tiến sĩ DePalma khẳng định, “và sự kiện đặc biệt này liên quan trực tiếp đến chúng ta - tới mọi loài động vật có vú trên Trái đất, trong thực tế. Bởi vì đây thực chất là nơi chúng ta thừa hưởng hành tinh này. Mọi thứ đã biến đổi sau cú tác động. Nó trở thành hành tinh của các loài động vật có vú thay vì hành tinh của khủng long”.
Nhà cổ sinh vật học Phil Manning tại Đại học Manchester kiêm đồng tác giả của nghiên cứu đã gọi phát hiện này là “kho báu cổ sinh vật và địa chất độc nhất vô nhị”, chứa đựng bằng chứng trực tiếp đầu tiên về những loài sinh vật lớn hơn bị tác động của hố Chicxulub kết liễu.
“Trầm tích, hóa thạch và những mẩu vụn liên quan đến cú tác động đã biến nơi đây trở thành hiện trường quan trọng cho những người nghiên cứu về sự kiện khiến khủng long tuyệt chủng”, ông Manning nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác trong giới cổ sinh vật học đã bày tỏ sự hoài nghi về tuyên bố trên khi các nhà khoa học bên ngoài bị hạn chế tiếp cận đối với nghĩa địa hóa thạch ở Hell Creek.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.