Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghị trường gần dân

Đan Nhiễm| 23/03/2016 07:58

(HNM) - Hôm qua 22-3, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian ngày làm việc để nghe Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016.


Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri là người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước (Quốc hội) khẳng định: "Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn" đã được thể hiện rõ nét trong quyết sách của Quốc hội khóa XIII.

Điều đó được thể hiện cụ thể thông qua hoạt động giám sát tối cao theo chuyên đề đã được tập trung vào những vấn đề bức xúc và cấp thiết của cuộc sống như chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; quy hoạch thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tái cơ cấu kinh tế; tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật...

Đặc biệt, có một số nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tái giám sát đến cùng, quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, cá nhân liên quan. Rất nhiều vấn đề sau đó đã được khối hành pháp tiếp thu và điều chỉnh, thậm chí xử lý những đơn vị, cá nhân sai phạm. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho thấy nghị trường Quốc hội đã gần dân hơn, lắng nghe tiếng nói của nhân dân.

Tuy nhiên, để Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp tới cần tiếp tục tăng cường ĐBQH chuyên trách (lên khoảng 40% tổng số ĐBQH) để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, giám sát và các hoạt động khác. Đây có thể coi là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Bởi thực tế, trong một vài nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, các ĐBQH chuyên trách đã làm tốt phần việc của mình. Rất nhiều trong số đó là những người có trình độ chuyên môn cao, gần gũi với cử tri, sâu sát cơ sở nên những ý kiến tại nghị trường (hoặc ý kiến trực tiếp với các cơ quan quản lý của họ rất xác đáng), khiến nghị trường Quốc hội không còn là diễn đàn để "chứng thực" các hoạt động của bộ máy hành pháp nữa, mà luôn sôi động, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống và lý luận sắc bén. Và như thế, ĐBQH chuyên trách nhiệm kỳ tới cũng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện, tự nâng tầm mình thành "chính khách" - như cách gọi của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng.

Mặt khác, đổi mới hoạt động của Quốc hội cũng phải trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của các ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thông qua việc tăng cường bộ phận Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội để bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tiếp tục xây dựng các tiểu ban trong các ủy ban của Quốc hội đủ mạnh và hoạt động hiệu quả hơn; củng cố, kiện toàn các cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng tăng tính chuyên nghiệp, ổn định, tránh chồng chéo, tăng cường dịch vụ nghiên cứu, cung cấp thông tin, hỗ trợ ĐBQH trình sáng kiến lập pháp - một điểm yếu hiện nay… Ngoài ra, việc xem xét nên hay không nên, chọn ai đang đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy hành pháp tham gia Quốc hội cũng cần được tính toán rõ để tránh tình trạng "vai" điều hành thì nét, còn "vai" ĐBQH lại khá "mờ".

Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh toàn dân, trong đó ĐBQH là những người đại diện ưu tú nhất. Gần dân, nghe dân, vui cái vui của dân, buồn nỗi buồn của dân thì dân sẽ là tai, là mắt để ĐBQH có được những thông tin xác thực từ cuộc sống. Muốn như vậy, trong những lá phiếu bầu sắp tới, cử tri cũng phải thể hiện rõ không chỉ quyền lợi, mà cả trách nhiệm của mình thông qua việc sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất vào Quốc hội khóa XIV. Được như thế, mạch nghị trường sẽ luôn sống động và trở thành cầu nối hữu hiệu giữa người dân với chính quyền. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị trường gần dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.