(HNM) - Thực tế ở nước ta cho thấy, để thực hiện mạnh mẽ công cuộc đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập, cần phải xác định sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng và đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng.
Đây chính là nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, nền độc lập tự chủ của Tổ quốc. Với bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, khó lường, khó khăn và thách thức đan xen nhau, Đại hội XI của Đảng đã cảnh báo "Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có những diễn biến phức tạp" thì nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng càng đặt ra hết sức bức thiết, với những yêu cầu cao.
Đẩy lùi suy thoái đạo đức, củng cố niềm tin trong nhân dân
Nghị quyết TƯ 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" không đề cập toàn diện về công tác xây dựng Đảng mà tập trung vào 3 vấn đề cấp bách. Thứ nhất, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thứ hai, xây dựng đội ngũ lãnh đạo cán bộ quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu và tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Ba năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 cho thấy: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, giải pháp rất cụ thể và chỉ đạo thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Do đó, nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội và đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng. Nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ đã được nâng cao. Tình trạng suy thoái đạo đức, phai nhạt lý tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng bước được đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, kéo dài đã được điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử công khai với những bản án hết sức nghiêm khắc...
Theo số liệu thống kê, trong 3 năm vừa qua, từ việc tự phê bình và phê bình, qua đấu tranh và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng như của Nhà nước, chúng ta đã xử lý hơn 54.000 đảng viên có vi phạm ở tất cả các cấp, từ trung ương đến cơ sở. Cụ thể, năm 2012 có gần 16.000 đảng viên phải xử lý kỷ luật, năm 2013 hơn 21.000 đảng viên, năm 2014 hơn 17.000 đảng viên. Đáng chú ý, đây là số đảng viên bị xử lý theo các hình thức kỷ luật Đảng, chưa tính đến số đảng viên bị kiểm điểm hay rút kinh nghiệm sâu sắc. Như vậy, điều mà Nghị quyết TƯ 4 đã chỉ ra là "một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống" là hoàn toàn chính xác, xuất hiện ở tất cả các cấp và rất phức tạp.
Phân tích như vậy để thấy Nghị quyết TƯ 4, đáp ứng đòi hỏi thực tế và có tác dụng quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cách mạng nước ta là rất to lớn, nặng nề và khó khăn, đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải có khả năng lãnh đạo và sức chiến đấu ở một vị thế và tầm cao mới, phù hợp với đòi hỏi của tình hình. Việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TƯ 4 góp phần làm cho Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đáp ứng nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng văn hóa, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...
Tuy nhiên, theo nhận định của đồng chí Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng - Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết TƯ 4: Dù đã đạt được một số kết quả nhưng nếu so với yêu cầu đề ra và so với mong đợi của cán bộ, đảng viên thì cũng chưa thật sự đáp ứng như mong muốn. Bên cạnh mặt tích cực, cũng thấy rằng trong Đảng hiện nay, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn phổ biến, nhiều khi việc kiểm điểm chỉ nặng nói về ưu điểm, khuyết điểm thì nói ít hoặc không dám nói, hoặc thể hiện ở mức độ chung chung, nhẹ nhàng… Bên cạnh đó, tính hình thức, bệnh thành tích còn đang khá nặng nề ở tất cả các cấp, một số cán bộ, đảng viên nhận thức chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc nên trong tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, hình thức và thậm chí còn tranh thủ "diễn đàn" để ca ngợi lẫn nhau… Thực tế, trong nội bộ các tổ chức Đảng, cơ quan của Nhà nước vẫn đang tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Thậm chí, nhiều người trước đây từng giữ trọng trách trong các cơ quan đảng, chính quyền, nay có những ý kiến lệch lạc, nhìn nhận, phê phán lịch sử một cách thiếu khách quan, thậm chí, cổ xúy cho những mô hình xa rời thực tiễn …
Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị nêu trên đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự thống nhất về tư tưởng, hành động trong cán bộ, đảng viên, làm suy giảm sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu không khắc phục kịp thời, triệt để sẽ tạo nên quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cả về tư tưởng và hành động, tạo ra những nguy cơ rất khó lường. Trong khi đó, các thế lực thù địch đã và đang tiếp tục tung ra nhiều thủ đoạn thâm độc, quyết liệt hơn cả về cường độ, nội dung, đối tượng, hình thức cũng như phương pháp để thực hiện âm mưu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đối với cán bộ, đảng viên và trong nội bộ tổ chức Đảng. Do vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần giữ vững và tăng cường khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; tăng cường khả năng đề kháng trong nội bộ Đảng và trong tư duy, hành động của từng đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu. Việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 phải là cơ hội giúp cho từng cán bộ, đảng viên "soi" lại bản thân, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa, chứ không thể chỉ đứng ngoài mà "phán", mà phê hoặc trông chừng, chờ đợi, coi như không phải công việc của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, không phải cứ viết lên trán hai chữ "Cộng sản" mà được dân tin; dân chỉ tin cậy, yêu mến và noi gương những ai thật sự vì dân, tận tâm tận lực phục vụ nhân dân, biết tranh đấu hy sinh cho lý tưởng bằng việc làm chứ không phải chỉ bằng lời nói.
Mọi thành viên có khả năng đề kháng tốt chính là cơ sở để ngăn ngừa tác động từ bên ngoài. Hệ thống chính trị vững mạnh thì mọi âm mưu, thủ đoạn thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của các thế lực thù địch sẽ thất bại. Do vậy, chủ động phòng, chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Một trong những giá trị và ý nghĩa quan trọng của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), của tự phê bình và phê bình là ở tính cảnh báo, sự thúc giục thức tỉnh và tính răn đe trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên đồng thời kết hợp giữa "xây" và "chống", chống những biểu hiệu suy thoái để xây dựng phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, lập trường tư tưởng của đội ngũ đảng viên, từ đó tăng cường sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Nếu các tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nếu mỗi đảng viên luôn nêu cao tinh thần tiền phong gương mẫu, chắc chắn sẽ đẩy lùi được tệ nạn tiêu cực, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân; chắc chắn sẽ vô hiệu hóa được thủ đoạn thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của các thế lực thù địch; đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.