(HNM) - Sự ra đời của Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" thực sự có tính bước ngoặt đối với quá trình tự đổi mới, tự chỉnh đốn của Đảng ta.
Những thông tin từ cuộc tọa đàm "Mãi mãi niềm tin theo Đảng" do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 22-1 càng làm sáng rõ hơn tác dụng, ý nghĩa hết sức quan trọng của Nghị quyết TƯ 4 đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
|
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. |
GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ cho rằng, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) rất được lòng dân, vì lòng dân chỉ mong muốn cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Ông cho rằng, đây là nghị quyết có ý nghĩa lịch sử.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi trọng công tác tự chỉnh đốn và có nhiều chủ trương, nghị quyết, thậm chí tổ chức những cuộc vận động rất lớn để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhưng đến Đại hội XI, thực tế vẫn chỉ ra rằng, công tác xây dựng Đảng còn nhiều yếu kém, trong đó có những yếu kém, tồn tại kéo dài từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Tại Hội nghị TƯ 4, Đảng đã tập trung bàn sâu về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt là chỉ ra 3 vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Trên cơ sở đó, Nghị quyết TƯ 4 đề ra các giải pháp khắc phục. Trong ba năm qua, các giải pháp này đã phát huy tác dụng, hiệu quả.
Từ thực tiễn ở cơ sở, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) Ngọ Duy Hiểu cho biết, tháng 9-2012 được phân công về huyện công tác, khi bắt tay vào làm việc trên cương vị mới, Nghị quyết TƯ 4 thực sự là "bảo bối". Nhờ nghị quyết đi vào cuộc sống, giờ đây, trách nhiệm của cán bộ với dân cao hơn nhiều; đơn thư của dân giảm, nhiều vấn đề khó, điểm nóng đã được giải quyết. "Có những xã tình hình rất phức tạp như xã Liên Hiệp, nhưng giờ đây tình hình đã ổn định; hay như trường hợp 30 hộ dân xây nhà kiên cố ở quốc lộ 32 đã 10 năm nay, nhân triển khai Nghị quyết TƯ 4, thực hiện "Năm trật tự văn minh đô thị 2014, chúng tôi đã chỉ đạo, lãnh đạo, giải tỏa hoàn toàn" - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu nói.
Ở góc nhìn tổng quát, ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng - Ban Tổ chức TƯ, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) cho biết, qua học tập, nghiên cứu quán triệt các văn bản chỉ đạo của TƯ, nhận thức của cán bộ, đảng viên về tính cấp thiết phải đổi mới, chỉnh đốn Đảng, phải thực hiện Nghị quyết TƯ 4 sâu sắc hơn, cần thiết hơn. Đồng thời, qua việc chuẩn bị kiểm điểm, lấy ý kiến góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhân dân thì tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên có điều kiện thấy ưu điểm, khuyết điểm rõ hơn để tự soi xét lại chính bản thân mình nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục khuyết điểm. Đáng chú ý là cuối năm 2012, toàn Đảng đã thực hiện một đợt sinh hoạt chính trị rất sâu rộng là phê bình và tự phê bình theo 3 vấn đề cấp bách gắn với 19 điều đảng viên không được làm. Đợt kiểm điểm này có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm, thấy được khuyết điểm để tổ chức, cá nhân đề ra kế hoạch khắc phục. Qua kiểm điểm phê bình và tự phê bình, kiểm tra, thanh tra của Đảng, của Nhà nước và kết quả điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng lớn rõ ràng có tác dụng răn đe không nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Hà cung cấp: Qua ba năm triển khai Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), toàn Đảng đã xử lý kỷ luật trên 54.000 đảng viên. Năm 2012 xử lý kỷ luật 16.000 đảng viên, tăng 16% so với năm 2011 (khi chưa có Nghị quyết TƯ 4); năm 2013, xử lý kỷ luật trên 21.000 đảng viên; năm 2014, xử lý kỷ luật trên 17.000 đảng viên. Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, hơn 54.000 đảng viên nói trên là có hình thức kỷ luật; còn diện bị kiểm điểm sâu sắc hay rút kinh nghiệm sâu sắc còn lớn hơn. Điều đó chứng minh, nhận định của TƯ trong Nghị quyết TƯ 4 rằng có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống là hoàn toàn chính xác. Đáng nói hơn, con số nói trên đã phản ánh thái độ quyết liệt của Đảng trong xử lý cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái. Các đối tượng bị xử lý kỷ luật có ở tất cả các cấp, các ngành.
Sau khi kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4, điều quan trọng là tất cả cấp ủy, cá nhân đảng viên đều phải xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh: "Đúng là mấy năm gần đây, có những vấn đề tưởng như bị rơi vào quên lãng nhưng khi thực hiện Nghị quyết TƯ 4 thì đã được đưa ra ánh sáng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trong mấy năm vừa qua".
Bàn về việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 thời gian tới, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: "Đây là nghị quyết rất quan trọng, bởi nó liên quan đến sự tồn vong của chế độ, đến sinh mệnh của Đảng. Cho nên về mặt nhận thức, chúng ta không coi đây chỉ là một nghị quyết trong một thời gian nhất định, của một nhiệm kỳ nhất định, mà phải duy trì lâu dài, thường xuyên trong đời sống. Vì Đảng cũng là "con người", là một cơ thể sống, nó phải tiếp thu những tinh hoa, và phải loại bỏ những suy thoái". Đây là mong muốn của tất cả những người một lòng một dạ đi theo Đảng.