Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghe tiếng xuân bật từ sâu thẳm!

Hải Giang| 11/02/2016 08:08

(HNM) - Là tiết xuân. Se se lạnh. Chút nắng ấm đủ cho chuyến xuất hành đầu năm thêm rộn rã. Hà Nội vui tết Bính Thân 2016 trong sự đồng điệu của đất trời và lòng người, trong một tâm thế đặc biệt giữa mùa xuân đổi mới. Đã lắng nghe tiếng xuân bật mầm từ sâu thẳm!

Lung linh pháo hoa bên hồ Hoàn Kiếm.Ảnh: Nhật Nam


1. Tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện này: Chị Tố Hoa, người hàng xóm mới quen, một người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội và trở về nước vào một ngày áp Tết từ Newcastle, thuộc Vương quốc Anh. Nhớ là bởi, dẫu mới gặp một lần vào dịp giữa năm, nhưng ngay giữa khi vội vã rời thành phố chị còn kịp gửi lại những người hàng xóm một lời hẹn: "Chị đi nhé! Tết chị về!". Lời hẹn của một người không phải là ruột thịt mà vẫn thấy nao nao!

Rồi chị về ngay trước thềm năm mới, kể về ngôi nhà cũ, kể về người cha trong đoàn quân trở về ngày Giải phóng Thủ đô mà không kịp nhận ra con. Chị kể nhiều về một Hà Nội của riêng mình và cũng là của bao người trong ký ức…

Bỗng nghĩ, có phải vì Tết nghĩa là như thế? Là khoảnh khắc nghĩ về nhau, không chỉ giữa mỗi người với ông bà, tổ tiên, giữa những người ruột thịt, giữa bạn bè thân thiết mà còn là tình cảm giữa những người hàng xóm, hay sâu xa hơn là giữa con người với con người sống trên đời là để yêu mến nhau.

2. Trong rất nhiều câu chuyện nở bung dịp Tết này, rồi thế nào cũng có sự quay về câu chuyện chung. Câu chuyện của Thủ đô và đất nước. Người Hà Nội đón Xuân Bính Thân 2016 trong một không khí thật đặc biệt bởi đất này vừa chứng kiến sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước - Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thành công. Đặc biệt hơn, Xuân Bính Thân này là mùa xuân đánh dấu 30 năm đổi mới đất nước.

Ta nhìn lại mình, đủ tự tin khẳng định hành trình thúc đẩy nội lực để tự mình vượt thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Bính Thân xuân mới, vì thế, đáng được xem như sự khởi đầu cho công cuộc đổi mới đất nước lần thứ hai. Trong mâm cơm tất niên, bên chén trà đầu xuân, các cụ ông cụ bà, người trung niên và cả những thanh niên nói về niềm hy vọng đối với những đổi thay thực sự quyết liệt của đất nước. Dẫu còn nhiều nỗi băn khoăn, còn những điều trăn trở, nhưng không thể phủ nhận sự kỳ vọng và nỗi niềm gửi gắm của người dân Thủ đô đối với sự phồn vinh trên dải đất hình chữ S này.

Đầu xuân năm mới, người Hà Nội sống trọn vẹn, đẹp đẽ trong từng khoảnh khắc, việc làm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trở về Làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) của ông để đón Tết. Tết năm nào đường làng ông cũng được dọn dẹp sạch sẽ, tấp nập người đi. Đường từ đầu làng đón người xa quê về ăn Tết; con đường cuối làng dẫn ra nghĩa trang, nơi xóm làng tới chăm sóc phần mộ tổ tiên, thắp hương thơm mời người xưa về cùng đón năm mới.

Trong làng, mỗi xóm tự làm một cây đèn - vốn là cây tre dài, bó trên thân những bầu rơm để cắm cờ Tổ quốc, cắm hoa bông (hoa làm bằng sợi tre vuốt cong, nhuộm màu)… Sớm mùng 1 Tết, tiếng trống rộn vang mời gọi người trong họ ra nhà thờ họ làm lễ kính cáo đất trời tổ tiên, người người nói chuyện khuyến học, chăm lo người già, trẻ em, làm kinh tế.

Đón Xuân Bính Thân theo một cách khác, tại nhà riêng ở Làng quốc tế Thăng Long, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính (con trai của cố học giả Hoàng Đạo Thúy - tác giả của cuốn Phố phường Hà Nội xưa) ngồi vẽ cảnh sắc Hà Nội trước thềm xuân mới. Với ông thì vào độ giáp Tết, lá vàng ở Hà Nội thêm cho sắc xuân một vẻ đẹp không bút nào tả xiết. Nhặt chiếc lá rơi lên thấy sao mà đẹp, cái vẻ đẹp kỳ lạ của tự nhiên ẩn trong sắc màu, trong ý nghĩa của sự tiếp nối, sinh sôi nảy nở. "Đừng nghĩ lá rơi là lụi tàn, mà đó chính là biểu hiện của sức sống đấy, sức sống của mùa xuân!" - ông nói.

Phố sách Xuân 2016 thu hút rất nhiều độc giả. Ảnh: Nhật Nam


3. Người Hà Nội đón năm mới với một sự kiện văn hóa lần đầu tiên được tổ chức: Phố sách Xuân Bính Thân 2016 khai mạc vào sáng mùng 3 Tết (10-2) tại phố Lê Thạch. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố, Hội Nhà báo Việt Nam đã tới thăm từng gian hàng, lắng nghe câu chuyện về những đầu sách mới đáng chú ý.

Mỗi cuốn sách có được nhờ sự nỗ lực của biết bao người, thể hiện ước muốn nghiêm túc trong việc tiếp cận với xuất bản thế giới, từ việc làm sách có bản quyền, làm sách có index (mục tra cứu theo vần), chuyển ngữ những đầu sách góp phần đem tri thức cho đời. Để có được một Phố sách đón người dân du xuân trong không gian văn hóa đọc, các cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, các đơn vị làm sách, các NXB đã thức đêm thức hôm với sách. Chưa bao giờ làng sách sôi nổi suốt những ngày đón Tết đến như thế. Với họ, xuân này, đón Tết gắn liền với nhiệm vụ tổ chức Phố sách xuân.

Cũng phải kể đến một sự kiện ý nghĩa khác là việc tặng sách vào đêm Giao thừa tại Hồ Gươm, Hà Nội, do anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng mô hình sách hóa nông thôn - tổ chức. Đẹp biết bao những bước chân tình nguyện trao tặng những cuốn sách hay cho người dân Hà Nội dịp đầu xuân, năm mới. Trong hương xuân yên bình của Hà Nội, giữa những bước chân mang thông điệp văn hóa ấy, ta thấy lòng tĩnh tại hơn lúc nào hết. Tựa hồ như nghe thấy "Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường/Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng…".
Hà Nội ơi, một mùa xuân nữa đã về rồi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghe tiếng xuân bật từ sâu thẳm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.