(HNM) - Giao thông và văn hóa giao thông (VHGT) tưởng như khô cứng lại rất mềm mại trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Đó là hiệu quả của dự án "Đưa VHGT vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn hóa, nghệ thuật" do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc triển khai.
VHGT từng bước được thâm nhập sâu vào đời sống cộng đồng, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trong cuộc sống hiện đại.
Một tiết mục múa rối nước tuyên truyền VHGT do nghệ sĩ Phan Thanh Liêm điều khiển vừa ra mắt công chúng. |
"Văn hóa giao thông là đời"
Giữa ồn ào, bức bối của hàng vạn thứ âm thanh hỗn tạp, của sự chật chội khi tham gia giao thông, bất chợt ta nghe đâu đó điệu hát xẩm, vở hài kịch hay bài hát có nội dung vui nhộn, hài hước nhưng phản ánh thực trạng giao thông ở Việt Nam một cách sâu sắc để lắng lòng tự vấn xem mình đã có ý thức khi đi trên đường hay chưa. Đó chính là các tác phẩm nghệ thuật tuyên truyền VHGT.
Nói về dự án nhân văn này, GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam chia sẻ: "Nghệ thuật là phản ánh hiện thực cuộc sống và thế mạnh của nó là đi sâu vào những khía cạnh mà các lĩnh vực khác không làm được. Vì thế nếu đầu tư nghiên cứu kỹ thì VHGT và hành vi của người tham gia GT chính là chất liệu hay để các nghệ sĩ tạo nên những tác phẩm độc đáo". GS Hoàng Chương cho biết thêm: Sau gần hai năm triển khai dự án, số tác phẩm đến được với công chúng tuy chưa nhiều song đó là những tác phẩm được viết ra từ sự trăn trở của những người nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm và họ cũng chính là những người hằng ngày tham gia giao thông nên có thể khẳng định văn hóa, nghệ thuật là kênh tuyên truyền hiệu quả về VHGT.
Ví như ca khúc "Nỗi đau vấn nạn giao thông" của nhạc sĩ Phạm Việt Long gây ấn tượng sâu sắc bởi giai điệu da diết của bài hát đã nói lên được nỗi đau của những người có người thân bị tai nạn giao thông, kêu gọi mọi người hãy vì sự bình an của cuộc sống mà tôn trọng luật lệ. Ca khúc "Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh mới đi" của PGS Nguyễn Lân Cường đã thông qua tiếng nói trẻ thơ để nhắc nhở người lớn hãy đi đúng đường. Hai bài hát xẩm "VHGT là đời" sáng tác của Nguyễn Thế Kỷ và "Em cười VHGT" của Trần Tấn Ngô gây xúc động với bất kỳ ai đã từng nghe. Đặc biệt, chùm bi hài kịch gồm 3 vở kịch ngắn: "Khúc quân hành ngày ấy", "Cái giá phải trả", "Đồng lòng mới xong" do NSND Lê Hùng đạo diễn là những chuyện đời cười ra nước mắt khi con người cố tình đi sai luật, tự gây nên những thảm cảnh cho gia đình và bản thân.
Tìm cách đến với công chúng
Nỗ lực đưa VHGT vào cộng đồng, năm 2010, Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng chùm hài kịch về VHGT với tựa đề "Giao thông - quốc nạn" của đạo diễn Lê Hùng với lời cảnh tỉnh: Tai nạn do chính ý thức của người tham gia giao thông gây nên. Kêu gọi người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, ngày 15-12 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam ra mắt chương trình "Múa rối nước với VHGT". Chương trình gồm 8 trò, kết hợp múa rối nước với hát xẩm, dân ca và cả những sáng tác mới tuyên truyền về VHGT. Trên sân khấu chừng 4-5m2, có ao nước, thủy đình, những chú Tễu nói chuyện về VHGT, những con rối say rượu, đua xe, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu… để phê phán hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm (Hà Nam), người thiết kế sân khấu, sáng tác các nhân vật rối và độc diễn các trò lạ này tâm sự: "Tôi từng chứng kiến những cảnh đua xe, lạng lách, đánh võng trên đường gây tai nạn thảm khốc nên đã bắt tay xây dựng tiết mục này. Làm một con rối ngồi trên xe đi lại bình thường thì không khó, nhưng làm được một con rối biết buông tay khi đua xe, xe chạy phụt khói, bắn nước xuống khán giả thì mất rất nhiều thời gian và công sức. Tôi thấy vui vì tiết mục gây được cảm xúc cho người xem". Cũng theo anh Liêm, sân khấu được thiết kế nhỏ, gọn, có thể di chuyển để biểu diễn ở bất cứ đâu nên "rối nước với VHGT" sẽ vào từng cơ quan, gõ từng trường học để tuyên truyền. Dự kiến, chương trình sẽ được biểu diễn trong các trường học trên địa bàn Thủ đô bắt đầu từ năm 2012.
Ấn tượng với những tiết mục múa rối nước, NSND Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho hay: Ngành xiếc cũng đang tập luyện các tiết mục tuyên truyền VHGT. Trong kịch mục xiếc này, có những chú khỉ đi xe đạp chấp hành luật giao thông, nhưng có những con vẫn phóng nhanh, vượt ẩu bị cảnh sát giao thông bắt để mô tả cảnh lộn xộn ở một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, không ai chịu nhường ai như chính những diễn biến hằng ngày trên các đường phố Việt Nam. "Khi những tiết mục xiếc thú đến với công chúng, các nghệ sĩ sẽ tương tác với khán giả và từ đó cùng nhau rút ra nét VHGT đẹp" - NSND Tâm Chính khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.