(HNM) -
ở Hà Nội, Hội chữ Xuân thường được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 20 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng hằng năm. Để có một đôi chữ thư pháp mang về treo trong nhà hoặc tặng người thân, bạn chỉ cần đợi khoảng mươi phút, "ông đồ" sẽ thảo vài nét bút là xong. Trước và sau khi viết, các ông còn giải nghĩa từng chữ cho khách hiểu. Chữ xin về được treo ở nơi trang trọng trong nhà. Nhiều gia đình, dòng họ còn truyền từ đời này sang đời khác một bức đại tự, hoành phi hoặc câu đối bằng thư pháp Việt để cho con cháu học và làm theo điều răn của chữ.
Nghệ thuật thư pháp và thú chơi chữ là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của ông cha ta. Xưa kia, người Việt thường sử dụng chữ Hán, sau đó là chữ Hán Nôm làm chữ viết chính thống. Từ những năm đầu thế kỷ XX, khi chữ Quốc ngữ trở nên phổ biến hơn, chữ Hán Nôm càng ít được sử dụng, môn thư pháp cùng với thú chơi chữ ở Việt Nam tưởng như đã bị mai một.
Theo thời gian, mạch ngầm văn hóa truyền thống cũng trải qua bao thăng trầm. Nghệ thuật thư pháp dần được khôi phục từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước với nhiều hình thức, truyền thống xen lẫn cách tân, và từ đó khởi sắc. Thư pháp Việt có mặt ở khắp nơi như trên báo chí, bích chương, quảng cáo, bảng hiệu, tranh lịch, phần mềm font chữ... Các tác phẩm thư pháp Việt đủ cỡ lớn, nhỏ trang trí cho những gallery, các phòng triển lãm, thậm chí có cả ở những quán cà phê, quán trà, tư dinh, đại sảnh các cơ quan... Thư pháp Việt được thể hiện trên nhiều chất liệu như trên giấy, vải, gỗ, đá, trái cây, đồng đến tranh tre, khảm trai và cả trên gốm sứ.
Nghệ thuật thư pháp là nghệ thuật tạo hình con chữ bằng cách viết. Nét chữ thể hiện nết người. Rèn thư pháp chính là rèn nhân cách. Người khổ luyện thực hành thư pháp có thể dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn dũa tâm hồn. Còn người chơi thư pháp cũng có thể mượn nét bút tài hoa của người khác để trau chuốt, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ngày ngày ra vào thấy chữ là ngắm nghía trầm ngâm, ngẫm nghĩ răn lòng... đó là một trong nhiều cách học làm người. Đây cũng là một thú chơi tao nhã đáng trân trọng, thể hiện tâm, khí, ý, lực của người dụng bút vừa là cách tạo nên "cái hồn" của câu chữ, tôn vinh giá trị của tiếng Việt.
Theo một số nhà thư pháp, tuy mới ra đời nhưng thư pháp Việt có sức sáng tạo lớn, gắng tạo ra những hình ảnh, hình tượng để có thêm ý nghĩa cho chữ đó. Đặc thù chữ Quốc ngữ là đơn nghĩa nên dễ cắt nét, tạo hình để tạo thêm ấn tượng cho chữ. Ví dụ chữ "Nhẫn" thường hay viết chữ N tạo thành hai vách núi đè lên nhau, sau đó là chữ H có hướng vượt lên, ý muốn nói đến sự kiên trì, nhẫn nại với con đường trắc trở khi gặp núi cao mà vẫn vượt qua những khó khăn để đạt được thành tựu. Chữ "Thọ" có ý nghĩa cầu chúc cho ông, bà, cha, mẹ mình được sống lâu như cây tùng, cây bách thì người ta thường viết chữ T tạo hình dáng của cây tùng. Tương tự, chữ "Lộc" viết cây tre có một nét đưa ngang thành chữ L... Cái khó nhưng cũng tạo ra sự độc đáo trong thư pháp Việt là đường cong trong từng nét chữ.
Viết chữ thư pháp Việt bắt buộc phải có kỹ thuật của thư pháp truyền thống kết hợp với nghệ thuật viết chữ đẹp của phương Tây để mang lại giá trị mỹ cảm cho công chúng. Trong thư pháp Việt ngữ hiện nay có 5 kiểu chữ chính là chân phương (còn gọi là chân tự), cách điệu (biến tự), cá biệt (cuồng thảo), mô phỏng và mộc bản. Ngoài ra, thư pháp có thể trở thành một bức họa khi trong tranh thư pháp còn có hình ảnh minh họa, hoặc khi tranh là hình ảnh của chữ. Muốn có một chữ đẹp được nhiều người ưa thích, người viết phải thể hiện được cái "thần" trong từng nét chữ. Người viết phải tĩnh tại, bình hòa để chuyển tải nội dung của các tác giả (những bài thơ, câu nói…) và tâm hồn của mình.
Không chỉ đơn thuần là những ký tự, thư pháp Việt mang âm hưởng nguồn cội, truyền tải các giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc. Người Hà Nội hay nhắc đến các tên tuổi thư pháp như Lại Cao Nguyện, Cung Khắc Lược, Nguyễn Văn Bách, Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Đinh Thanh Hiếu, Lê Xuân Hòa... Lớp kế cận là một số nhà thư pháp như Thư họa gia Kiều Quốc Khánh - Giám đốc nghệ thuật Trung tâm Giao lưu phát triển nghệ thuật truyền thống và đương đại - Thonart (Thôn Art), đã tham gia hầu hết các phong trào viết thư pháp Quốc ngữ của Hà Nội và truyền dạy cho thế hệ sau. Tiếp nối niềm đam mê đó là các nhà thư pháp trẻ như Hoàng Hải Nam - Giám đốc Thư pháp Hải Nam, hay nhóm thư pháp Văn Lạc Thư Quán khá mạnh ở phía Bắc do anh Phan Hà Linh phụ trách... mỗi người viết đều thể hiện một phong cách riêng.
Để phát triển một nền thư pháp Việt ngữ, nhiều nhà thư pháp đã nỗ lực nghiên cứu và học hỏi những bậc tiền nhân đi trước để nâng cao bút lực, kỹ thuật lẫn thần khí. Tuy nhiên, thư pháp Việt chưa định hình chuẩn mà mới chỉ là việc thầy đúc rút qua kinh nghiệm rồi truyền trò. Thông qua việc dạy học, những người đam mê môn nghệ thuật này đã cố gắng đưa ra lý luận chung về thư pháp Việt, tạo tiền đề để thư pháp Quốc ngữ phát triển song song với thư pháp chữ Hán. Những người học đều có mục đích khác nhau, song họ có điểm chung là đều yêu mến giá trị văn hóa truyền thống và muốn phát triển thư pháp Việt.
Thư pháp Việt đã hòa trong mạch sống nghệ thuật dân tộc và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Đó cũng là một nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt tinh thần cần được phát huy, bởi nếu biết khai thác và sáng tạo thì chữ Việt rất đẹp và rất có hồn. Hy vọng việc chơi thư pháp, thưởng ngoạn thư pháp chữ Việt không chỉ dừng lại ở tính phong trào mà còn là sự hiện diện có ý nghĩa của một môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.