(HNM) - Bùi Quốc Chí là con trai nhà sưu tập tranh nổi tiếng Đức Minh - một trong những người thuộc thế hệ sưu tập tranh đầu tiên của Việt Nam, hình thành nên Gallery Đức Minh tại khu biệt thự ba tầng ở 53 phố Quang Trung - Hà Nội.
Học ngành kiến trúc, làm nghề xây dựng, Chí chưa bao giờ nghĩ sẽ kế nghiệp cha mình. Thế nhưng như cái "duyên" định sẵn, Bùi Quốc Chí bỏ nghề, tiếp tục hành trình của cha. Điều thú vị, Chí không chọn Hà Nội mà quyết định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp với mong muốn hình thành bảo tàng tư nhân.
Bùi Quốc Chí bên tranh “Tấm bình phong” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. |
Vào một đêm tháng 4-2013, theo lời hẹn trước, tôi đến căn nhà 31C Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Đúng 21h30, một người đàn ông trung niên, nhanh nhẹn, mở cửa đón chúng tôi. Đó là kỹ sư, nhà sưu tập Bùi Quốc Chí. Căn nhà này cũng chính là gallery (phòng tranh) mang tên Đức Minh, đồng thời vừa là nhà ở, chỗ làm việc và trưng bày tranh của nhà sưu tập Bùi Quốc Chí. Một thói quen không biết có từ bao giờ, nhưng như theo mọi người biết thì sau khi hoàn thành căn nhà và khai trương Gallery Đức Minh (năm 2001), Bùi Quốc Chí có thói quen làm việc nhiều vào ban đêm. Vì vậy cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa chúng tôi cũng diễn ra về đêm.
Bên bar rượu gia đình nho nhỏ, xinh xinh, trình bày gọn gàng, bắt mắt... cuộc trò chuyện của chúng tôi thật cởi mở, thú vị.
- Chúng ta chỉ trao đổi riêng về hội họa và sưu tập tranh thôi nhé. Bởi nói đến sưu tập thì tôi không chỉ có tranh mà còn các cổ vật nữa đấy.
Bùi Quốc Chí vui vẻ giao hẹn. Và thật sự, chúng tôi cũng chỉ xoay quanh đề tài hội họa, một vài câu chuyện về các họa sĩ và bộ sưu tập tranh của Bùi Quốc Chí, cũng đã hết gần trọn một đêm.
Anh báo tin mừng, vừa từ trung tâm đấu giá nổi tiếng thế giới là Christie's và Sotheby's trở về. Điều may mắn nhất trong chuyến đi là anh đã đấu giá thành công được hai bức tranh, trong đó có bức tranh "Chợ hoa Hà Nội" do họa sĩ Victor Tardieu, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương vẽ. Theo Bùi Quốc Chí, sau 20 năm sưu tập, anh đã có trên 500 bức tranh quý, hiếm, rất giá trị, nhưng cũng chưa bằng phân nửa bộ sưu tập của cha anh. Hơn thế, đương thời cha anh còn có mối quan hệ rộng rãi, chân thành với những họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Sĩ Ngọc, nhạc sĩ Văn Cao... Chính từ mối quan hệ thân thiết này mà phòng tranh Đức Minh đầu tiên của Hà Nội luôn mở cửa đón bạn bốn phương. Gia đình ông Minh có bảy người con đều là kỹ sư, bác sĩ, giáo viên. Ngay cả Chí cũng học kiến trúc, làm kỹ sư xây dựng. Khi ông Đức Minh sắp mất, muốn truyền lại bộ sưu tập cho Chí.
"Tuổi thơ tôi sinh ra trong chiến tranh và sơ tán, vào đại học vẫn còn sơ tán, nên khó mà nói tới chuyện cha truyền thụ cho con. Mà nghệ thuật, đã không thích, không mê… thì có xẻ đầu ra nhét vào thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Rồi cha mất, đến một ngày, tôi ngộ ra rằng nghệ thuật là cái duyên và cái nghiệp tự đến với mỗi người. Nó như mạch ngầm chảy bên trong, không thể kiễng chân lên mà chạy, mà làm… là được. Nhà tôi có bảy anh chị em, chỉ có mình tôi bỏ nghề kỹ sư theo chuyện sưu tập!" - Bùi Quốc Chí kể.
- Vậy anh thừa hưởng gì về nghệ thuật hội họa và bộ sưu tập tranh của cha? Nghe hỏi vậy, Chí liền trả lời: Ngay sau khi vào TP Hồ Chí Minh làm việc năm 1979, tôi đã có ý tưởng mở một phòng tranh cho dù lúc đó thật hiếm thấy ở đây. Vậy mà đến năm 1992 tôi mới thực hiện được. Cái nghiệp sưu tập nó vận vào tôi từ lúc đó, thế là tôi bỏ công, bỏ việc... để theo nghiệp hơn 20 năm nay. Như cha tôi thường nói, cuộc sống không thể thiếu nghệ thuật hội họa. Ông không chỉ là người am hiểu, tinh tường mà còn biết gìn giữ, nâng niu, chắt lọc nhưng tinh túy về nghệ thuật hội họa cho đời sau. Đã có lúc cha tôi muốn hiến toàn bộ sưu tập cho bảo tàng nhà nước nhưng không được. Còn tôi giờ đây cũng đã và đang muốn biến phòng tranh của tôi thành bảo tàng, nhưng lực bất tòng tâm. Nhiều lúc, để có tiền làm bảo tàng, tôi đã bán tranh, bán được tranh ai chẳng mừng, nhưng không bán được tôi lại thấy vui vui, vì tranh vẫn còn đó, nghệ thuật hội họa còn đó. Ngày xưa cha tôi nhiều đêm thức trắng để thưởng thức, tâm sự cùng tranh. Giờ đây tôi càng thấu hiểu, nhà sưu tập, ngoài sự am hiểu, nhìn xa, dự đoán, hào sảng, sẵn sàng làm bà đỡ... còn phải như một ông từ cần mẫn, chăm chút, trông coi, gìn giữ và nâng cao cho nghệ thuật hội họa.
Kể lại việc sưu tập tranh từ đời cha đến đời con, Bùi Quốc Chí cho rằng, đã là người Việt Nam thì trước hết phải nâng niu, gìn giữ, sưu tập và chơi tranh Việt. Cho đến nay, việc sưu tập tranh có giá trị của dòng họ Bùi vẫn tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch về thứ tự các họa sĩ, đó là: Trí, Vân, Lân, Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn), Nghiêm, Liên, Sáng, Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái). Dĩ nhiên để có ngày phòng tranh trở thành bảo tàng nghệ thuật cho thế hệ mai sau, các nhà sưu tập cũng rất cần tài chính cho việc "đãi cát tìm vàng", nên không thể không sưu tập tranh từ các họa sĩ đương đại để giao dịch, trao đổi...
Bùi Quốc Chí cho biết thêm, do có nhiều bức tranh quý của các họa sĩ nổi tiếng trong nước bị phát tán mà anh đang bỏ công lặn lội tìm mua lại từ các chủ nhân trong nước, ngoài nước... Nhưng về cơ bản anh vẫn giữ lại toàn bộ mảng tranh của các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh... đặc biệt là những bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ bà nội, cha, mẹ, con cái... nhà sưu tập Đức Minh trong đó có Bùi Quốc Chí. Giờ đây những bức tranh này vẫn hằng ngày hiện diện trang trọng trong Gallery Đức Minh ở TP Hồ Chí Minh.
Đứng bên những bức tranh: "Thiếu nữ bên trường kỷ", "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân, "Em Thúy" của Trần Văn Cẩn, "Tấm bình phong" của Nguyễn Gia Trí, "Chợ hoa Hà Nội" của Victor Tardieu... cùng những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái... trong bộ sưu tập của mình, Bùi Quốc Chí khắc khoải: "Có lẽ nghệ thuật hội họa vẫn còn là thứ "xa xỉ" đối với người dân ta, không biết bao giờ tôi mới có được một bảo tàng nghệ thuật hội họa theo ý muốn... Cho dù hằng ngày, hằng đêm tôi vẫn làm việc để thực hiện ước mơ, nhưng mỗi người chỉ có 24 giờ mỗi ngày mà thôi".
Cũng như người cha (ông Đức Minh) trước đây rất say sưa sưu tầm cổ vật và tranh vẽ, nay Bùi Quốc Chí không chỉ nổi tiếng là nhà sưu tập tranh, mà còn là người có tiếng trong giới sưu tầm đồ cổ như đồng hồ, kính, bút, bật lửa, đèn pin...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.