(HNMCT) - Phùng Đệ vào bộ đội, tham gia các chiến dịch Sông Thao năm 1949, chiến dịch Nghĩa Lộ - Yên Bái 1952, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954... Sau đó, ông chọn làm nhà quay phim tài liệu, đi vào các chiến trường ác liệt. Có thể nói, chính những trải nghiệm ấy đã đi vào ống kính máy quay của ông một cách tự nhiên, giàu tình cảm.
- Thưa NSƯT Phùng Đệ, nhớ về những năm tháng chiến tranh, những người quay phim cũng được ví như những chiến sĩ trên mặt trận, nhiều thước phim của họ được “ghi bằng máu”?
- Chiến tranh ác liệt lắm! Hòa bình rồi nhưng lắm lúc tôi vẫn nghĩ: “Ai đã từng đi qua đường Trường Sơn thì cũng xứng đáng được thưởng huân chương”. Với những người quay phim, thường 1 - 2 năm lại đi qua con đường ác liệt đó, quay phim rồi sau đó lại mang phim ra, rồi lại vào. Sau đó là quãng thời gian chúng tôi sang Lào, Campuchia. Sự ác liệt của chiến tranh là điều không thể kể hết. Nhiều khi nhớ lại đồng đội mình đã ngã xuống, thấy thương vô cùng!
- Trận đánh nào ông nhớ nhất trong suốt thời gian làm quay phim chiến trường?
- Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là lần đi cùng các nữ chiến sĩ vận tải trong sư đoàn chủ lực tại khu V, đường 9 Nam Lào. Họ làm nhiệm vụ vận tải, trông nom kho gạo, và gặp địch là đánh địch. Chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, khi nhìn thấy những người phụ nữ chân yếu tay mềm dưới bom đạn, tôi lại cảm thấy thương và khâm phục họ nhiều hơn.
Nhiệm vụ ban đầu của chúng tôi khi ấy là làm một bộ phim tài liệu về truyền thống của Đoàn 559. Nhưng khi vào đến nơi thì tôi ấn tượng với tiếng cười khanh khách của các chị, các cô lẫn trong tiếng bom đạn. Chúng tôi phát hiện có đội nữ vận tải C3 quân giải phóng (Quảng Nam). Sau khi hỏi thăm tình hình, thành tích mà các chị đạt được, chúng tôi quyết định làm một bộ phim về họ. Sau nửa tháng đi cùng các chị, tôi đã hoàn thành bộ phim “Những cô gái C3 quân giải phóng” trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (năm 1968).
- Đây cũng là bộ phim mà NSƯT Phùng Đệ đóng vai trò đạo diễn kiêm quay phim, mang về cho ông nhiều giải thưởng điện ảnh cao quý?
- Bộ phim ấy đã được giới thiệu tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (Đức) năm 1972 và đạt giải đặc biệt của Ban giám khảo. Khán giả rất xúc động khi xem phim. Tôi đã kể lại câu chuyện của hai cô gái trẻ trong phim, chị 14 tuổi, em mới 10 tuổi, cả nhà bị địch tàn sát, chỉ còn lại hai chị em. Người chị đã để em ở lại quê nhà, nhờ anh em, họ hàng chăm sóc, còn mình đi theo quân giải phóng, làm cách mạng. Một nhân vật khác, đã từng sống ở Sài Gòn, nhưng khi chứng kiến tội ác của đế quốc Mỹ, chị đã tìm đường đi theo cách mạng. Cũng có cô lấy chồng ngụy quân, khuyên can chồng không được, cô quyết chia tay, tham gia đội nữ vận tải này... Có nhiều câu chuyện xúc động mà tôi đề cập trong bộ phim “Những cô gái C3 quân giải phóng”.
- Nhắc đến NSƯT Phùng Đệ, người ta cũng nhắc tới bộ phim tài liệu “Võ tay không” đạt giải thưởng Bông sen Vàng năm 1970?
- Hồi ấy, một số chiến sĩ của ta có suy nghĩ, nếu đánh nhau giáp lá cà với địch thì hơi e ngại vì địch to khỏe hơn ta rất nhiều. Bộ phim “Võ tay không” dạy cách đánh võ của người Việt Nam khiến cho lính Mỹ to khỏe cũng phải chịu thua. Đó là một bộ phim được phổ biến tới các anh em bộ đội, góp phần củng cố tinh thần cho họ.
- Từ nhỏ, ông đã gắn bó với các đoàn văn công nhưng ông lại đến với phim tài liệu. Vì sao hồi ấy ông lại rẽ sang con đường khác?
- Sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được phân công về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị. Đến năm 1958, tôi chuyển sang ngành Điện ảnh, làm quay phim, đến các chiến trường Nam Bộ rồi sang Lào, Campuchia. Hồi ấy nói về năng khiếu nghệ thuật, cái gì tôi cũng biết một tý nhưng lại chưa đủ say mê. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng có ý định cho tôi đi học âm nhạc 7 năm ở Tiệp Khắc nhưng tôi từ chối. Sau đó, tôi được biết quân đội chuẩn bị thành lập đoàn làm phim “Dưới cờ quyết thắng”. Thế là tôi xung phong đi học quay phim. Tôi may mắn được đi theo đạo diễn Ngọc Quỳnh khi ông làm phim “Dưới cờ quyết thắng”, được học tập các đạo diễn tên tuổi như Lô Cường, Thanh Chước, Hoàng Văn Bổn...
Cho đến giờ, tôi có thể tự hào nói rằng mình cũng là một trong những người quay phim, đạo diễn tương đối tốt. Mặc dù không được học tập bài bản về nghề quay phim nhưng mình đã gắn bó và có được những tác phẩm tốt, được ghi nhận. Đó là điều hạnh phúc rồi!
- Xin cảm ơn NSƯT Phùng Đệ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.