(HNMO) – Lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam, Liên hoan sân khấu hài toàn quốc được tổ chức vào cuối năm nay. Sự kiện này đã khuấy động tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ hài...
Bởi thế, khi thông tin Liên hoan sân khấu hài toàn quốc được phát động, nhiều đoàn nghệ thuật ngoài kịch nói, thì tuồng, chèo, cải lương cũng hồ hởi tham gia.
Các nghệ sĩ hài được giới chuyên môn nhìn nhận một cách khách quan |
* Cuộc cách mạng của các nghệ sĩ hài
Theo dự kiến của BTC, Liên hoan sân khấu hài kịch sẽ khởi động ở miền Bắc trước vào cuối tháng 8 tại Quảng Ninh và tháng 11 ở miền Nam. NSƯT Trần Nhượng – Phó ban tổ chức cho biết, hiện tại đã có 19 đơn vị tham gia vào liên hoan ở phía Bắc lần này, trong đó có nhiều đoàn địa phương như: Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng... Có nhiều đơn vị đăng ký hai tiết mục như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam...
Vì là lần tổ chức đầu tiên, cả BTC và các nghệ sĩ tham gia đều vấp phải không ít khó khăn cho nên, BTC chấp thuận các nghệ sĩ sử dụng những tiểu phẩm, tiết mục và vở diễn dài đã được trình diễn trước công chúng hoặc có kịch bản nước ngoài. Tuy nhiên, điều này chỉ hợp lệ ở lần tổ chức này, từ lần tổ chức sau (dự kiến 2 năm một lần), các tiểu phẩm phải được làm mới và có tính sáng tạo. BTC không giới hạn thời gian của tác phẩm mà chỉ quy định thời lượng của chương trình.
Đối với các nghệ sĩ, Liên hoan hài kịch lần này không chỉ mang tính chất thi thố, một cuộc vui đơn thuần mà nó như một sân chơi để các nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo và chứng tỏ cái duyên của cá nhân và hơn hết là được những nhà phê bình trong giới nghệ thuật nhìn nhận, đánh giá và công nhận tài năng.
Xuân Bắc và Tự Long là hai trong số những nghệ sĩ tham gia Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất |
Từ lâu rồi, những người làm hài dù có miệt mài cho ra mắt những tác phẩm phục vụ công chúng, thậm chí có thời hài kịch là cứu cánh cho sân khấu nhưng nghệ sĩ hài chưa bao giờ được công nhận ở các kỳ cuộc liên hoan sân khấu. Chưa nghệ sĩ hài nào có trong tay những giải thưởng cá nhân do giới chuyên môn trong nghề đánh giá. Điều đó phần nào cũng đã khiến những nghệ sĩ hài cảm thấy tủi thân. Theo NSƯT Trần Nhượng, điều này một phần xuất phát từ quan niệm. Liên hoan hài kịch lần này có thể coi là bước làm cở mở để các nghệ sĩ hài được công nhận và đánh giá ở góc độ chuyên môn.
Đạo diễn Lê Hùng, “lão phù thủy” với nhiều mảng miếng dàn dựng ở cả sân khấu chính kịch lẫn hài kịch, nổi tiếng nhất là chùm hài kịch “Đời cười” của Nhà hát Tuổi trẻ từng thừa nhận: Làm hài không chỉ mua vui thôi là đủ mà nó cũng chứa được nhiều triết lý sâu sắc về cuộc sống, tình người, về những vấn đề nhân sinh nhức nhối. Cái khó của người làm hài là thông qua tiếng cười nhưng vẫn mang đến những chân giá trị đời sống. Có lẽ vì thế, mà Liên hoan hài kịch lần này, tiêu chí chấm điểm của BTC cũng sẽ không chấm điểm cao những tác phẩm gây cười phản cảm, tục tĩu…
* Cái khó ló cái khôn
NSƯT Trần Nhượng, Phó BTC Liên hoan cho biết, cái khó của Liên hoan lần đầu tiên tổ chức là việc kêu gọi các "cây đa", "cây đề" trong làng hài tham dự. Trong suy nghĩ của nhiều người, khi họ đã có tên tuổi và có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng thì không muốn “bằng vai phải lứa” đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ trẻ để thi thố, tranh tài. Tuy nhiên, theo lời của Phó BTC Liên hoan thì thực tế này phải chấp nhận vì đó là những vấn đề tế nhị, nhạy cảm.
Nhà hát Tuổi trẻ tham gia 2 tiểu phẩm (ảnh mang tính minh họa) |
Dù vậy, Liên hoan cũng sẽ quy tụ những gương mặt có tiếng trong làng hài Việt Nam như: Xuân Bắc, Tự Long, Chí Trung, Vượng Râu, Quang Thắng, Quốc Trượng, Vân Dung, Hồng Vân, Anh Vũ, Hoài Linh… Các đoàn của các Nhà hát, thậm chí cả các đơn vị Nhà hát Tuồng, Chèo, đoàn địa phương cũng hưởng ứng rất nhiệt tình. “Mặc dù có những tiết mục trùng nhau của địa phương với các đoàn Trung ương, Hà Nội, nhưng họ vẫn mạnh dạn đăng ký”, NSƯT Trần Nhương chia sẻ.
Các tiểu phẩm, tiết mục, vở diễn hài được dự thi theo nhiều hình thức, có thể là theo nhóm hoặc theo đơn vị nhà hát. Sự cởi mở hình thức dự thi cũng là để các nghệ sĩ thoải mái sáng tạo và thể hiện.
Cái khó thứ hai là sự tham gia không đông đều ở hai miền Nam – Bắc và tư duy, lỗi diễn hài của nghệ sĩ hai miền cũng khác nhau. NSƯT Trần Nhượng thừa nhận, lối diễn hài miền Nam mang nhiều tính giải trí hơn trong khi hài miền Bắc lại nặng về học thuật. Cân bằng được hai yếu tố này quả là không dễ và việc chấm điểm làm sao cho hài hòa cũng là bài toán đau đầu cho BGK. Đến thời điểm này, các đơn vị trong Nam vẫn ậm ừ trong việc đăng ký tham dự Liên hoan. Được khởi động từ cách đây 1 tháng, đến nay Trung ương Hội mới chỉ nhận được đăng ký tham gia của 19 đơn vị nhưng chủ yếu là của phía Bắc.
Hài kịch từng có thời gian làm mưa làm gió trên các sân khấu, mang lại không ít doanh thu cho các Nhà hát cũng như các nghệ sĩ hài. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì hài kịch lại bước vào kỳ “ngủ đông”. Có vẻ như, cơn lốc hài kịch đang bị bão hòa dần bởi tiếng cười từ các tác phẩm không còn đậm đà, thấm thía và hấp dẫn như trước. Thực tế đó cũng khiến cho Liên hoan hài kịch gặp những cái khó nhất định.
Nhưng với những người làm nghề lại hy vọng rằng, trong cái khó đó sẽ ló cái khôn, biết đâu công chúng sẽ tìm thấy niềm hứng thú từ các tác phẩm tham dự Liên hoan. Và biết đâu, qua Liên hoan hài kịch này, những người làm hài sẽ có thêm hướng tư duy mới trong việc tạo tiếng cười cho công chúng. Đó có lẽ là mục đích lâu dài và ý nghĩa đích thực mà Liên hoan mang lại.
BGK của Liên hoan sân hấu hài sẽ là những người có uy tín trong lĩnh vực sân khấu. Sau Liên hoan, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn những nhóm hài xuất sắc của hai miền biểu diễn trong dịp chào mừng ngày Sân khấu Việt Nam ngày 12/8 âm lịch (ngày 9/9 dương lịch). |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.