Vở hài kịch nổi tiếng thế giới “Quan thanh tra” vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam hoàn thành dàn dựng và phiên bản Việt này sẽ khuấy đảo sân khấu Thủ đô với các suất diễn liên tục từ ngày 13 đến 20-10, tại Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội.
Không quá khi nói rằng, đây là một “bom tấn” hài kịch trên sân khấu Việt thời gian tới. Bởi bên cạnh kịch bản nổi tiếng đã thành công suốt hàng trăm năm qua trên các sân khấu thế giới và vẫn nguyên tính thời sự khi đề cập đến nạn tham nhũng, phiên bản của Nhà hát Kịch Việt Nam lần này còn quy tụ được những tên tuổi nghệ sĩ “hạng nhất” của “Anh cả đỏ” làng sân khấu.
Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, vừa chỉ đạo nghệ thuật vừa tham gia vai diễn chính trong tác phẩm này hào hứng cho biết, muốn đem đến một không gian để khán giả bước vào được cười sảng khoái, cười không dứt nhưng vẫn đọng lại nhiều điều đáng suy ngẫm.
“Quan thanh tra” được viết bởi nhà văn, thi sĩ, kịch tác giả và nhà phê bình người Nga Nikolay Vasilyevich Gogol. Không chỉ là cây bút văn xuôi xuất sắc hàng đầu trong lịch sử văn học Nga và được công nhận là nhà văn hiện thực vĩ đại, Gogol còn là một trong số ít những nhà văn đóng vai trò quyết định trong việc đặt nền móng phát triển sân khấu kịch Nga và châu Âu hiện đại.
Vở kịch “Quan thanh tra” ra mắt lần đầu năm 1836, được Gogol viết dựa theo một số gợi ý của đại thi hào Pushkin về một anh công chức nhỏ lang thang đến một thị trấn miền Nam rồi bị tưởng nhầm là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi thị sát.
Phiên bản của Nhà hát Kịch Việt Nam do Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Lê Mạnh Hùng đạo diễn, vẫn giữ nguyên câu chuyện kịch bản gốc, phô bày những tình huống nực cười của đám quan chức địa phương khi tưởng lầm một công chức nhỏ dạt về đây là quan thanh tra cấp cao. Vốn là những kẻ tham nhũng, chúng lo sợ, tìm cách mua chuộc, hối lộ quan thanh tra giả. Chúng còn tố cáo, nói xấu nhau để tâng công. Tệ hơn, viên thị trưởng còn lợi dụng cả vợ và con gái để leo lên vị trí cao hơn hòng áp bức, bóc lột dân chúng nhiều hơn. Nhưng rồi gặp đúng quan thanh tra giả nên tất nhiên, đám tham quan phải trả giá…
Có thể nói, cả “bộ máy” tinh hoa nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam hiện nay tham gia vở kịch, như các Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Minh Hiếu, Mai Nguyên, Lâm Tùng; các diễn viên Hồ Liên, Hồng Quang, Thế Nguyên, Ngân Hoa, Khuất Quỳnh Hoa, Khánh Linh, Hoàng Nhật, Hồng Phúc… Trên sân khấu toàn những “ngôi sao” như thế, nhưng đạo diễn đã thành công khi xây dựng được các nhân vật rõ cá tính, có “miếng” gây cười riêng và bộc lộ được nét duyên diễn xuất của mỗi người.
Vở kịch “Quan thanh tra” thể hiện khả năng khái quát thiên tài của nhà văn Gogol về đám tham quan tài hèn, háo danh, chuyên vơ vét, tham nhũng mà thời ở đâu, thời nào cũng bắt gặp, đồng thời, để nhiều dư địa cho đạo diễn sáng tạo. Vì thế, phiên bản lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam được cài cắm nhiều chi tiết, câu thoại, hành động quen và bắt “trend” với đời sống, tạo thêm tiếng cười cho khán giả.
Thêm nữa, thiết kế sân khấu với các tấm cách điệu từ đặc điểm của loài mèo, cùng những chiếc ghế nhiều hình dáng vừa hỗ trợ diễn xuất cho diễn viên, vừa mang nhiều dụng ý. Khán giả thỏa mãn xem kịch cổ điển châu Âu mà vẫn thấy bóng dáng của những câu chuyện quen thuộc với người Việt như “Đám cưới chuột” hay “Số đỏ”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.