Văn nghệ

Mượn hài kịch truyền thông điệp đời sống

Thụy Du 13/10/2024 - 06:58

Thời gian qua, nhiều đơn vị kịch nói đã mạnh dạn đầu tư các vở diễn, chương trình hài kịch lớn phục vụ khán giả.

Cùng với việc đem tiếng cười sảng khoái, giúp giải tỏa căng thẳng, những tác phẩm hài kịch này đã khéo léo và sắc sảo truyền tải nhiều thông điệp, bài học cuộc sống. Bởi vậy, không ít tác phẩm đã diễn hàng trăm buổi vẫn “cháy vé”, tạo sức sống mới cho sân khấu kịch.

mot-canh-trong-vo-hai-kich-benh-si-cua-nha-hat-kich-viet-nam..jpg
Một cảnh trong vở hài kịch “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Càng diễn càng hút khán giả

Nhà hát Kịch Việt Nam đưa bộ đôi hài kịch đình đám là “Bệnh sĩ” và “Mặc cha sự đời” (hay “Ả cave nhà hàng Maxim”) phục vụ khán giả vào tháng 10 và tháng 11-2024. Đáng chú ý, vở “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ, do Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải dàn dựng sẽ cán mốc đêm diễn thứ 400 vào ngày 16-11 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Với những tình huống cười ra nước mắt, “Bệnh sĩ” lên án căn bệnh thành tích, háo danh dẫn đến thói sĩ hão, rởm đời và cao hơn là căn bệnh dối trá, thiếu trung thực trong xã hội.

Tác phẩm có sức hút lớn khi quy tụ những nghệ sĩ nổi tiếng của làng kịch, được nhiều thế hệ công chúng yêu mến như Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc, Nghệ sĩ nhân dân Việt Thắng, Nghệ sĩ ưu tú Kiều Minh Hiếu, Nghệ sĩ ưu tú Dũng Nam, Hồ Liên, Hồng Phúc, Quang Đạo, Thu Thuận, Thế Nguyên... Vở hài kịch được dàn dựng năm 2014 và mỗi lần biểu diễn đều “cháy vé”.

Cũng trong dịp này, vở “Mặc cha sự đời” sẽ diễn ra tại Nhà hát Kịch Việt Nam (ngày 19-10), Rạp Đại Nam (ngày 1-11), Nhà hát Lớn Hà Nội (ngày 17-11). Đây là bản dựng mới của Nhà hát Kịch Việt Nam, do Nghệ sĩ nhân dân Tuấn Hải đạo diễn, với dàn nghệ sĩ trẻ tài năng đảm nhiệm… Tác phẩm phê phán thói trưởng giả rỗng tuếch của nhiều quý tộc thời xưa nhưng được đưa vào không gian đương đại mới mẻ, thể hiện rõ sự nhạy cảm với thời cuộc nên vẫn đem đến bài học thấm thía cho hôm nay.

Trước đó, vở hài kịch “Quan thanh tra”, “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Nhà hát Kịch Việt Nam đều “bùng nổ” mỗi lần biểu diễn.

Tháng 10 này, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục có những suất diễn chương trình hài kịch “Đời cười” (vào ngày 20 và 26-10) với những tiểu phẩm đặc sắc. Chương trình cũng đã có hàng trăm buổi diễn và trở thành “đặc sản” của hài kịch đất Bắc. Đằng sau mỗi câu chuyện, tình huống gây cười được thể hiện bởi các “cây hài” rất duyên như Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Huyền, Nghệ sĩ ưu tú Đức Khuê, Nghệ sĩ ưu tú Nguyệt Hằng, Nghệ sĩ ưu tú Quang Anh, Anh Thơ, Thanh Tú… luôn nhắc gợi những vấn đề trong đời sống.

Vở hài kịch “Tinh thần thể dục” của Nhà hát Kịch Hà Nội, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan, do Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu viết kịch bản và đạo diễn, đang thu hút cả khán giả người lớn và trẻ em. Vở diễn mang đến tiếng cười dí dỏm, hài hước ẩn trong từng câu thoại và tình huống, đả kích sâu cay chế độ thực dân phong kiến và thói bịp bợm, lố bịch, bệnh hình thức của bè lũ tay sai…

Thay đổi cách nhìn về hài kịch

Hài kịch là một thể loại luôn có trong kịch mục của các đơn vị nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, trước sự phát triển của nhiều hình thức giải trí cùng mạng xã hội, các kênh truyền hình trực tuyến ra đời, sân khấu nói chung và hài kịch nói riêng đứng trước nguy cơ vắng dần khán giả. Những vở diễn, chương trình hài kịch thu hút người xem thời gian qua đều có sự đầu tư, sáng tạo nghiêm túc và đem đến trải nghiệm mới mẻ.

Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Nếu khán giả thường xuyên đến với kịch nói, chắc chắn sẽ thấy những vở hài kịch được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng biểu diễn rất khác. Không còn là những tiểu phẩm, tình huống gây cười, mà chúng tôi mang đến những tác phẩm nghệ thuật hài kịch đúng nghĩa, tiếng cười được nâng tầm giá trị khi chuyển tải thông điệp tư tưởng của thời đại, của xã hội”.

Theo Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, là “Anh cả đỏ” của sân khấu kịch nói nước nhà, đơn vị luôn ý thức mang những giá trị nghệ thuật chất lượng đến với khán giả. “Đối với chúng tôi, sự hài hước cũng là phương tiện để truyền đạt những nội dung, tư tưởng hay những thông điệp tích cực cho cuộc sống. Vì thế, nhà hát luôn lựa chọn và đầu tư dàn dựng các vở diễn, nhất là các vở hài kịch, để thu hút khán giả”, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc chia sẻ.

Đã 2 lần thưởng thức vở kịch “Bệnh sĩ” của Nhà hát Kịch Việt Nam, chị Đoàn Mai Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Câu chuyện, bối cảnh từ nhiều chục năm trước nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị. Cười đấy, vui đấy mà thấm thía, ngẫm ngợi. Tôi đặc biệt thích thú vì mỗi lần xem là một lần trải nghiệm khác. Các nghệ sĩ sáng tạo, tung hứng và đưa vào những lời thoại, chi tiết mới, bắt đúng trào lưu trong xã hội”.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho hay, các chương trình hài kịch của nhà hát đều đang bán vé ổn định. Đối tượng mua vé chiếm đến 60% là người trẻ. Nhà hát cũng có hướng tiếp tục đầu tư dàn dựng các vở hài kịch mới phục vụ khán giả.

Tuy nhiên, theo Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, sân khấu nói chung và sân khấu hài kịch hiện nay rất hiếm kịch bản tốt. Hầu hết các đơn vị chọn dựng lại những tác phẩm kinh điển trong nước và quốc tế hoặc chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng. Đây cũng là điều khiến sân khấu hài kịch chưa được bùng nổ, sôi động như mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mượn hài kịch truyền thông điệp đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.