Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ cello Trần Thị Mơ: Dồn tâm huyết cho lần solo cuối

Thụy Du| 04/08/2014 06:34

(HNM) - 41 năm gắn bó với cây đàn cello, NSƯT Trần Thị Mơ giữ vẻ dịu dàng và sâu lắng như chính tiếng đàn của mình. Trong chương trình


- Một nghệ sĩ kỳ cựu của làng cello Việt Nam như chị vẫn có rất nhiều khán giả, lời từ biệt mà chị đưa ra lúc này liệu có là quá sớm?

- Tôi vẫn sẽ chơi trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nguyện cống hiến đến khi nào không cầm nổi cây đàn nữa. Chỉ là có thể tôi sẽ không nhận lời chơi solo ở những chương trình lớn mà thôi. Bởi, để chơi được ở vị trí đó thì phải hội tụ nhiều yếu tố lắm, trong đó sức khỏe có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cảm xúc thì còn nguyên vẹn nhưng mình lớn tuổi rồi, sức lực có hạn. "Hòa nhạc Toyota 2014" có lẽ là lời chia tay rất đẹp đối với sự nghiệp solo của tôi.



- NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nói rằng, không phải đây là chương trình "giúp" chị chia tay khán giả, mà là một chương trình hòa nhạc quốc gia, nghệ sĩ được lựa chọn phải có khả năng nổi bật. Chị nghĩ sao về điều đó?

- Tôi rất tự tin về khả năng của mình khi được giao vị trí solo. Mọi việc liên quan, tôi nghĩ đều là sự trùng hợp may mắn. Thực ra, tôi có ý định làm một chương trình riêng để tri ân khán giả, những người luôn ủng hộ tôi. Tuy vậy, chất lượng và uy tín của "Hòa nhạc Toyota" khiến tôi thấy mình không cần thiết phải làm thêm chương trình riêng nữa. Tôi đang dồn tâm huyết vào chương trình hòa nhạc này.

- Chị có thể giới thiệu qua về tác phẩm sẽ chơi solo trong chuỗi hòa nhạc năm nay?


- Đó là "Bản concerto cung mi thứ" op85 viết cho cello và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Edward Elgar. Với những người chơi solo cello thì đây là một tác phẩm đáng chú ý, là cơ hội để khẳng định khả năng của mình. E.Elgar viết bản concerto này trong thời kỳ hậu thế chiến thứ nhất và nó khác hẳn chất trữ tình và đam mê như khi ông viết cho violon trước đó. Giai điệu của nó phần lớn trầm mặc và bi thương. Tôi đã từng trình diễn solo tác phẩm này với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, rất thích được chơi lại trên sân khấu lớn.

- Năm nay, lần đầu tiên "Hòa nhạc Toyota" đến vớiTây Nguyên. Ở đó có lẽ không có nhiều khán giả am tường nhạc cổ điển, không có khán phòng đặc thù, chị cảm thấy thế nào?

- Với người nghệ sĩ chuyên nghiệp, biểu diễn ở hoàn cảnh nào, ở bất cứ đâu cũng không quan trọng bằng việc mình đem âm nhạc đến cho khán giả. Tôi đồng hành cùng chuỗi hòa nhạc suốt 17 năm, hạnh phúc thực hiện sứ mệnh cùng mọi người đưa nhạc giao hưởng đến với công chúng. Tôi luôn cảm thấy hứng thú mỗi khi đến với miền đất mới, đặc biệt là khán giả ở nơi ít có điều kiện tiếp xúc với nhạc giao hưởng. Ở đó, có thể không có khán phòng lý tưởng, người nghe không hiểu hết tác phẩm mà mình chơi hoặc thậm chí là chưa từng được nhìn ngắm tận mắt một dàn nhạc giao hưởng. Nhưng tôi tin là họ có tình yêu âm nhạc, có sự cầu thị và thái độ trân trọng nhạc cổ điển. Hơn nữa, với chương trình diễn ra ở Tây Nguyên, ban tổ chức đã chọn một nhạc mục dễ nghe và gần gũi hơn rất nhiều, nhất là các bài hát tiếng Việt, trong đó có "Người lái đò trên sông Pô Kô" của Cầm Phong được phối lại cho dàn nhạc, do ca sĩ Tùng Dương thể hiện. Hy vọng khán giả ở đó sẽ thích.

- Xin cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ cello Trần Thị Mơ: Dồn tâm huyết cho lần solo cuối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.