Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15” - Nơi tôn vinh giá trị thi ca

Bài, ảnh: Tuyết Minh| 11/02/2017 14:55

(HNMO) - Sáng nay (11-2), đúng ngày Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 đã khai mạc với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”.

 Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Thế Đức tham dự và đánh trống khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2017. 


Sau 14 lần được tổ chức, Ngày thơ Việt Nam đã thực sự trở thành một lễ hội văn hóa tao nhã, nơi gặp gỡ giữa các nhà thơ với công chúng yêu thơ; tôn vinh, truyền bá các giá trị thi ca của dân tộc đến các thế hệ người Việt.

Nơi tôn vinh giá trị thi ca

Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, với tinh thần hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà thơ, nhà văn tự hào vì những giá trị đã cống hiến cho đất nước trong 60 năm qua; nguyện gắn bó hơn nữa với đời sống tâm hồn của dân tộc, con người và đất nước; phấn đấu tạo nhiều giá trị thơ ca mới đáp ứng tình yêu thi ca của công chúng trong nước, bạn bè quốc tế.

Năm nay, các nhà thơ mọi thế hệ cùng hiện diện tại sân trước (sân thơ Truyền thống). Sân trước với nhiều sự đổi mới cũng là nơi góp mặt của các tác giả tiêu biểu cho phong trào thơ mới.

Đặc biệt, lần đầu tiên “Con đường thi nhân” được mở tại Ngày thơ Việt Nam. Trên con đường này, Ban tổ chức giới thiệu chân dung, tác phẩm của các nhà thơ tiêu biểu trong làng thi ca Việt Nam.

Tại Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Cách đây 14 năm, Ngày thơ Việt Nam ra đời nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc đến với công chúng cả nước, bạn bè quốc tế. Từ đó đến nay, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức thường niên vào ngày Rằm tháng Giêng hàng năm.

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, Triển lãm 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam cũng được tổ chức. Đây là triển lãm ngoài trời, giới thiệu những tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo nhất, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng được công bố về hoạt động, quá trình hình thành và phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam, về các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu là hội viên của Hội.

Các hoạt động nổi bật của Ngày thơ tập trung ở sân thơ sau, nơi tôn vinh những nhân vật của năm 2016 về thơ ca, trong đó có những tác giả đoạt giải thơ của Tạp chí Văn nghệ quân đội và các hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam. Điểm nhấn của sân thơ sau là hoạt động trình diễn các tác phẩm thi họa trên gốm của sĩ họa Lê Thiết Cương. Ngoài đọc thơ và giao lưu với tác giả tiêu biểu, sân thơ sau còn diễn ra các hoạt động ca múa nhạc với nhiều sáng tác được phổ nhạc từ thơ như: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Thời hoa đỏ”…

Tiếc nuối sân thơ trẻ

Ngày thơ Việt Nam năm nay không có sân thơ trẻ mà sân thơ này được tích hợp cùng với sân thơ của thế hệ những tác giả đã thành danh. Tuy nhiên, vẫn có một không gian đặc biệt cho các câu lạc bộ thơ thiếu nhi. Cuộc thi thơ, hoạt động về thơ của các em thiếu nhi được tập trung tại “Không gian thơ thiếu nhi Việt Nam”. Ban Tổ chức dành ba ki-ốt cho không gian thơ đặc biệt này bên cạnh ki-ốt thơ của các tỉnh, thành phố, các câu lạc bộ thơ.

Nhà thơ Trần Hữu Việt


Trước thông tin nhiều người yêu thơ tiếc nuối Ngày thơ Việt Nam năm nay thiếu vắng sân thơ trẻ, thiếu sự đồng hành của các nhà thơ trẻ, nhà thơ Trần Hữu Việt, người nhiều năm làm trưởng ban Sân thơ trẻ cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Ngày thơ Việt Nam thiếu vắng sân thơ trẻ, mà đã có thông lệ, một số năm sân thơ trẻ cũng lùi lại để dành cho công việc tổ chức chung của Ngày Thơ. Ví dụ, năm 2012, trước Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất, Sân thơ trẻ cũng trở thành Sân thơ trăm miền để các nhà thơ trẻ có thể tham gia đồng hành cùng các nhà thơ quốc tế. Sau đó, rất nhiều nhà thơ của các Hội nhà thơ quốc tế đã cử đại diện sang để học hỏi, chia sẻ cách tổ chức sân thơ của Việt Nam để tổ chức Ngày hội thơ ca tại đất nước họ. Tuy nhiên, ông cũng có đôi chút tiếc nuối vì năm nay không có Sân thơ trẻ. Nhà thơ mong muốn Ban Nhà văn trẻ sẽ luôn là lực lượng chủ đạo, vì tuổi trẻ luôn đồng nghĩa với sự dấn thân, sự nhiệt huyết, sự trong sáng, sự đột phá trong sáng tạo. 


Nhà thơ Trần Hữu Việt cũng cho biết thêm, năm nay, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 – 2017 với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước” có thể coi là một sự tôn vinh giá trị thi ca khi các nhà thơ trẻ có thể hoà nhập lên sân khấu đọc thơ cùng lớp đàn anh, những người mà trước đây họ rất ngưỡng mộ. Đây vừa là sự tôn vinh, vừa là sự cổ vũ, thúc giục các bậc đàn anh trao lại trách nhiệm cho thế hệ tiếp theo.

Với tư cách của một người làm thơ, nhà thơ Trần Hữu Việt đánh giá, Sân thơ Thái Học năm nay rất đa dạng, ấn tượng với sự xuất hiện của nhiều tác giả đã được giải thưởng uy tín của Hội Nhà văn, nhiều hội viên trẻ như: những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, nhà thơ đến từ Thanh Hoá với những bài thơ rất cảm động về người lính; những bài thơ của nhà thơ Hồ Minh Tâm, Nguyễn Quang Hưng viết về máy bay rơi, về những chuyến đi Trường Sa… thể hiện trách nhiệm công dân, cho thấy sáng tác của các nhà thơ trẻ không chỉ là những vần thơ ẩn ý, yêu đương lãng mạn mà còn gắn với trách nhiệm công dân rất rõ ràng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam


Chia sẻ về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, nét độc đáo của sự kiện này là được tổ chức cùng một thời gian ở tất cả các địa phương trong cả nước, nhằm tôn vinh các giá trị dân gian, giới thiệu thơ ca đương đại Việt Nam trong nhịp sống mới, góp phần xây dựng tâm hồn, nhân cách người Việt Nam. Với tư cách là thành viên Ban tổ chức, nhà thơ cho biết sẽ lắng nghe, rút kinh nghiệm từ các ý kiến đóng góp để Ngày hội thơ dần được tổ chức hoàn hảo hơn, mang những giá trị thơ ca đến đông đảo công chúng hơn nữa.

Một số hình ảnh tại Ngày Thơ Việt Nam 2017 

Gian thơ thiếu nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15” - Nơi tôn vinh giá trị thi ca

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.