Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Cất tiếng lòng của đời sống hôm nay

An Nhi| 05/02/2023 15:35

(HNMO) – Là một trong những sự kiện mở đầu Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21, sáng 5-2, tức Rằm tháng Giêng năm Quý Mão, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, cuộc tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã ghi nhận những ý kiến đầy tâm huyết của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình… để nhận diện thơ Việt Nam hiện nay và làm thế nào để thơ nói được tiếng lòng của đời sống hôm nay.

Tọa đàm ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về đời sống thơ ca hiện nay.

Trong chuỗi hoạt động phong phú của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21, tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” được chú ý bởi đây là hoạt động có tính chuyên sâu. Đề dẫn tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, cuộc tọa đàm chỉ khuôn hẹp về không gian và thời gian nhưng không khuôn hẹp về vấn đề. Đó là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thơ là gì và thơ có giá trị như thế nào đối với đời sống? Đây là hai câu hỏi vang lên suốt trong hành trình tìm kiếm, khám phá của lịch sử thơ ca và vang lên từng giờ, từng ngày với từng nhà thơ. Vì vậy, cuộc tọa đàm nhằm ghi nhận những ý kiến chia sẻ nhận định về hình dáng, diện mạo, sức mạnh của thơ hiện nay và thơ có giá trị thế nào trong thời đại phong phú và nhiều biến động như bây giờ. 

“Thơ hiện nay đang đại chúng, quần chúng hóa, câu lạc bộ hóa hay đang khu biệt hóa, thần bí hóa, hay cả 2 xu hướng đang phát triển, điều ấy tốt hay không tốt cho nền thơ ca Việt Nam? Thơ hôm nay khác hôm qua như thế nào, đi lên hay đi xuống?”, nhà văn Nguyễn Bình Phương bày tỏ kỳ vọng cuộc tọa đàm phần nào làm sáng rõ những vấn đề này.

Nhà thơ Trần Anh Thái ghi nhận, thơ ca nhiều năm gần đây đã có đời sống mới, diện mạo mới, đa diện, đa thanh, phong phú, sinh động với vô vàn các quan niệm nghệ thuật, khuynh hướng thơ ca, phong cách sáng tác. Thơ ca mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới. Các nhà thơ một mặt đi sâu khám phá bản thân, một mặt không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội.

“Có lẽ không một nhà thơ nào không viết hoặc chí ít nghĩ đến những vấn đề nhức nhối, thậm chí cả những vấn đề lớn lao của đất nước trong đời sống hôm nay. Đó là thành tựu và cũng là sự lao động, sáng tạo không mệt mỏi của các nhà thơ”, nhà thơ Trần Anh Thái nhận định. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ lo lắng khi thơ chất lượng thấp tràn lan, cái non yếu chiếm lĩnh, cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng…

Đồng tình với ý kiến đó, nhà thơ Vũ Quần Phương chỉ ra diện mạo nghịch lý của thơ hiện nay: “Số lượng người làm thơ tăng, câu lạc bộ thơ “mọc” khắp nơi, số tập thơ ấn hành hằng năm tăng gấp 30-40 lần các giai đoạn trước. Nhưng người đọc thơ lại giản đi. Giảm chưa từng có”. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên nhân là do công tác biên tập dễ dãi, để những tập thơ non yếu, không có nhiều giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, được ra đời, che lấp những tập thơ “đọc được”. 

Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Hiếu chỉ ra, thơ hiện nay đa phần là những cảm xúc riêng tư, với những đề tài quá cũ, thiếu gắn bó với suy nghĩ, tâm tư của con người trong giai đoạn kinh tế thị trường và đời sống xã hội nhiều biến động. Thơ ca hiện nay thiếu vắng những tác phẩm độc đáo xuất sắc, các nhà thơ chưa tạo được phong cách riêng mà viết tựa tựa giống nhau… 

Cất lên giai điệu, tạo nên giá trị

Vậy, thơ ca hiện nay nên phát triển như thế nào để đáp ứng với nhu cầu đời sống? Bên cạnh sự cổ vũ, động viên, tạo điều kiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động chuyên môn từ trung ương đến địa phương, thì trách nhiệm của người sáng tác rất lớn.

Những áng thơ hay, mang hơi thở đời sống luôn được độc giả quan tâm, đón nhận. Trong ảnh: Khu vực Đường thơ tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật hình dung: “Thơ ca hiện thời đang chảy giữa hai bờ ước lệ, một bên bờ được dựng lên từ những ngôi nhà ngôn ngữ lấp lánh giai âm hiện đại, còn bờ bên kia là êm ả điệu hồn truyền thống. Giữa hai bên bờ ấy là dòng chảy không ngừng của hiện thực đời sống. Đời sống cần thi ca để cất lên giai điệu của mình, lấp đầy những khoảng trống, xóa đi những ngăn cách, khơi lên dòng chảy không ngừng hoặc ít nhất là làm mới những gì đã cũ. Còn thi ca cần đời sống để tồn tại, lưu dấu và làm nên những giá trị cốt yếu vì con người”.

Vì vậy, theo nhà thơ Đoàn Văn Mật, ở thời đại nào thơ ca cũng có những bến bờ được tạo dựng bằng hiện thực đời sống. Dù phản ánh hiện thực đời sống trực tiếp hay gián tiếp, dù hiện đại hay truyền thống thì điều cốt yếu là người làm thơ phải viết được tác phẩm tôn lên mọi vẻ đẹp cho con người và vì con người, cho đời sống và vì đời sống. Chỉ có như thế mới tạo nên sự vững bền cho thơ ca và nhà thơ mới hoàn thành sứ mệnh của mình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng khẳng định, cần tôn trọng người làm thơ hiện đại, cổ vũ, tạo điều kiện cho họ sáng tác. Bởi thơ Việt Nam có thành tựu lớn, tác động đến tình cảm, nhân cách con người và có sức thẩm thấu. Thơ được nhạc sĩ chắp cánh còn có thể vươn xa hơn… Còn về việc xuất bản thơ, theo ông Nguyễn Thế Kỷ, cần có sự kiểm duyệt đặc biệt, cách quản lý khéo léo để vừa tạo điều kiện cho các nhà thơ không chuyên phát triển, vừa bảo đảm được chất lượng các tác phẩm thơ ca…

Tại tọa đàm, nhiều nhà thơ đã chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác, trong đó sự dấn thân, mạnh dạn đi vào đời sống, tìm tòi phương pháp, cách thể hiện đối với các nhà thơ hiện nay là những yếu tố quyết định sự thành công...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21: Cất tiếng lòng của đời sống hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.