(HNMO) - Chiều 7-8, Sở Y tế Hà Nội tổ chức họp triển khai kế hoạch lấy mẫu và xét nghiệm RT-PCR cho các trường hợp từ Đà Nẵng trở về Hà Nội trong khoảng thời gian từ ngày 15-7 đến 28-7. Từ ngày 8-8, Hà Nội chính thức triển khai xét nghiệm RT-PCR tại 13 quận, huyện (gồm 12 quận và huyện Phúc Thọ - nơi vừa phát hiện bệnh nhân 752).
Bộ Y tế cũng cho rằng, ngoài việc xét nghiệm nhanh, Hà Nội cần tăng cường xét nghiệm RT-PCR với những trường hợp có chỉ định để phát hiện ca bệnh càng sớm, càng tốt.
Bảo đảm an toàn, chất lượng, hiệu quả
Qua rà soát thống kê, có 74.905 trường hợp cần xét nghiệm RT-PCR trong chiến dịch này, gồm các đối tượng đã qua Đà Nẵng và có các biểu hiện ho, sốt, khó thở; những trường hợp đi qua các điểm dịch của Đà Nẵng mà Bộ Y tế khuyến cáo; tất cả những người đi Đà Nẵng về từ ngày 15-7 đến 28-7; đối tượng F1 tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh...
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc triển khai xét nghiệm RT-PCR sẽ được triển khai vào ngày mai tại toàn bộ các quận trên địa bàn thành phố và huyện Phúc Thọ. Thành phố sẽ tập trung cao nhất nguồn lực để triển khai thực hiện cho toàn bộ người dân trong diện được xét nghiệm.
"Để việc xét nghiệm không bị dồn dập, bảo đảm an toàn và hiệu quả, thành phố sẽ tiến hành tách theo nhóm, phân bố nguồn nhân lực phù hợp. Cán bộ Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện lấy mẫu và gửi đến các đơn vị thực hiện xét nghiệm theo phân luồng. Nguyên tắc lấy mẫu cuốn chiếu theo thứ tự ưu tiên trước với những đối tượng có triệu chứng, đối tượng F1, đối tượng trở về từ những khu vực có ổ dịch được Bộ Y tế khuyến cáo...", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nói.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để tăng tốc kiểm soát, xét nghiệm những người đã đi đến Đà Nẵng, Bộ Y tế đã huy động 4-5 bệnh viện giúp Hà Nội triển khai kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR. Việc xét nghiệm RT-PCR được thực hiện với người về từ Đà Nẵng sau ngày 15-7. Còn đối với người về từ ngày 15-7 trở về trước thì chỉ cần làm xét nghiệm nhanh kháng thể.
"Chúng ta phải phát hiện càng sớm càng tốt, phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế, kiểm soát tốt chừng đó", Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Các đơn vị thực hiện xét nghiệm RT-PCR của thành phố gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội...
Cần tăng tốc xét nghiệm SARS-CoV-2
Trong giai đoạn trước, từ một địa bàn nóng với số ca mắc Covid-19 dẫn đầu cả nước, thế nhưng, nhờ những giải pháp quyết liệt từ rất sớm, tổ chức xét nghiệm nhanh trên diện rộng, cách ly, khoanh vùng nghiêm ngặt, Hà Nội đã khống chế dịch thành công.
Đến giai đoạn này, khi lượng người trở về Thủ đô từ ổ dịch Đà Nẵng quá nhiều, thành phố tiếp tục triển khai test nhanh trên diện rộng để phát hiện sớm, khoanh vùng những nơi có nguy cơ. Ngoài ra, thành phố cũng triển khai thêm xét nghiệm khẳng định RT-PCR.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, test nhanh là các xét nghiệm gián tiếp nhằm tìm kiếm dấu vết của vi rút để lại trong cơ thể nhiễm bệnh, tức là tìm kháng thể mà cơ thể sinh ra khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, không phải người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nào cũng sinh ra kháng thể và kháng thể cũng không được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Theo nhiều nghiên cứu về Covid-19, chỉ 23% người nhiễm SARS-CoV-2 có kháng thể sau 1 tuần bị nhiễm, 58% người nhiễm 2 tuần mới có kháng thể và 75% người nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.
"Xét nghiệm nhanh tìm kháng thể dương tính chỉ thể hiện rằng, người đó từng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó có đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh hay không... Ngược lại, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể âm tính không có nghĩa người đó không bị nhiễm và không lây cho người khác. Do đó, người đi từ vùng dịch về dù có kết quả test nhanh âm tính vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, có thể lây bệnh cho cộng đồng, nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế", bác sĩ Đồng Phú Khiêm lý giải.
Bởi vậy, khi triển khai xét nghiệm nhanh nhằm khoanh vùng, Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 các cấp luôn yêu cầu và khuyến cáo những người về từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch tiếp tục cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe, có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở phải liên hệ ngay với cơ quan y tế.
Tuy nhiên, hiện nay, không ít người dân sau khi test nhanh âm tính có tâm lý chủ quan, không tuân thủ việc cách ly theo khuyến cáo. Đơn cử như bệnh nhân nam (42 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhân viên điều hành xe buýt) sau khi test nhanh âm tính, thay vì phải cách ly tại nhà, bệnh nhân đã đi đến rất nhiều nơi trong cộng đồng trước khi phát hiện mắc Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR. Trước thực tế đó, thành phố Hà Nội đã triển khai thêm xét nghiệm RT-PCR cho người dân từ Đà Nẵng trở về thành phố từ ngày 15-7.
"Hiện trên thế giới cũng đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm nhanh và xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR. Tùy theo diễn biến tình hình dịch trên thực tế mà mỗi giai đoạn có thể áp dụng những phương pháp xét nghiệm khác nhau. Cùng với việc xét nghiệm, với những trường hợp trở về từ vùng dịch, cần tuân thủ cách ly y tế. Ý thức trách nhiệm của mỗi người sẽ góp phần quan trọng giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt được hiệu quả", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.