(HNM) - Chuyện cầu thủ, HLV đội bóng phản ứng trọng tài vốn không phải là điều lạ ở V.League. Nhưng diễn ra thường xuyên, thậm chí đến mức rượt đuổi trọng tài như cầu thủ HN.ACB mới đây thì quả là điều đáng suy ngẫm.
Vì dù sai hay đúng, quyết định của trọng tài luôn là tiếng nói cao nhất trong các trận đấu. Luật quy định rõ như vậy, buộc tất cả người tham gia phải tôn trọng. Không phải tự nhiên mà trong bóng đá, các trọng tài được gọi là "vua áo đen". Cách ứng xử với trọng tài phần nào đó thể hiện mức độ chuyên nghiệp của cầu thủ, HLV và cao hơn là cả giải đấu. V.League đã có 10 năm lên chuyên nghiệp, vậy mà những hiện tượng ấy vẫn xảy ra, quả là đáng buồn.
Trọng tài Nguyễn Quốc Hùng lại phải sử dụng tố chất của một VĐV điền kinh để thoát hiểm. Ảnh: Hồng Lĩnh |
Cách đây chưa lâu, BTC giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League) ra án phạt cấm chỉ đạo 5 trận với "Sir" Alex Ferguson của CLB Manchester United. Lý do là vì HLV Ferguson đã có bình luận không hay về các quyết định của trọng tài Artkison trong trận đấu của MU với Chelsea. Ở Anh, Manchester được ví như "người khổng lồ", còn ông Ferguson đã được phong tước Hiệp sỹ. Chừng ấy cũng đủ cho thấy độ "khủng" của MU. Nhưng luật là luật, "Sir" Alex vẫn phải cắn răng đóng tiền phạt, ngồi trên khán đài chỉ đạo đội bóng từ xa. Ông Arkison đúng hay sai thì "hậu xét".
Kể chuyện xứ người để thấy tính chuyên nghiệp ở V.League của ta khác họ nhiều quá. Vòng đấu nào cũng có những lời ca thán, thậm chí là nhục mạ các "vua". Điển hình như trường hợp trọng tài Nguyễn Quốc Hùng bị cầu thủ HN.ACB rượt đuổi, phải chạy trốn. Thủ quân Lê Đức Tuấn của HN.ACB còn cởi băng đội trưởng, ném thẳng vào mặt ông Hùng. Trước đó, HLV Lê Thụy Hải của Thanh Hóa, sau khi tuôn ra một loạt từ ngữ không đẹp nhằm vào trọng tài Ngô Quốc Hưng, đã lên tiếng đề nghị BTC… hủy giải. Ông Hải cũng như CLB Thanh Hóa sau đó đã không phải chịu bất kỳ án phạt nào của BTC và lý do được đưa ra là không có bằng chứng (!?). Người hiểu chuyện thì biết BTC V.League cũng như Ban kỷ luật VFF buộc phải "nhún", như một cách để "bù" lại thiệt thòi mà Thanh Hóa phải chịu vì tiếng còi "méo" của trọng tài Ngô Quốc Hưng, cho SLNA hưởng phạt đền khi bóng chưa hề chạm tay trung vệ John Wole của Thanh Hóa. Ở đây, lý đã bị tình lấn át, bởi nếu đúng luật, không chỉ trọng tài Ngô Quốc Hưng bị phạt, mà Thanh Hóa cũng như HLV Lê Thụy Hải cũng phải chịu "án".
Có cơ sở để tin, bởi cách xử lý vị tình ấy, "phong trào" phản ứng trọng tài ở V.League càng có điều kiện phát triển. Đến mức gần như vòng đấu nào, các "vua áo đen" Việt Nam cũng trở thành mục tiêu công kích của cầu thủ và HLV mỗi khi đội nhà bị thua. Đã đành, năng lực của trọng tài Việt Nam vẫn còn hạn chế, điển hình như trọng tài Hưng "sai lè lè" ở trận SLNA với Thanh Hóa, hay cái cách trọng tài Nguyễn Quốc Hùng "dí" HN.ACB khi gặp K.Khánh Hòa. Nhưng ở một giải đấu mà trọng tài phải vận dụng tố chất điền kinh để "tẩu vi thượng sách", thì còn gì là "chuyên"?
Con đường lên "chuyên" vẫn còn gập ghềnh, chừng nào chưa có những án phạt đích đáng, đủ sức khiến không ai dám tái phạm.
Cầu thủ rượt đuổi trọng tài có thể bị phạt nặng Với hành vi rượt đuổi trọng tài Nguyễn Quốc Hùng trong trận đấu giữa K.Khánh Hòa và HN.ACB ở vòng 8, diễn ra chiều 27-3, một số cầu thủ CLB Hà Nội ACB nhiều khả năng sẽ phải chịu án phạt nặng của BTC V-League Eximbank Cup 2011. Trả lời báo giới, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi nhấn mạnh: "Trọng tài quyết định sai hay đúng, các cầu thủ vẫn phải tuân thủ luật. Hành vi phản ứng như thế là không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ báo cáo BTC để có hình thức xử lý". Riêng về quyết định thổi phạt đền của trọng tài Hùng, ông Mùi cho biết HĐTTQG sẽ xem lại băng ghi hình. Vĩnh Nguyên |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.