(HNM) - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ngành y tế Thủ đô đã yêu cầu các bệnh viện (BV), nhất là các BV hạng 1, BV đầu ngành như BV Ung bướu, Tim, Xanh Pôn, Thanh Nhàn... tăng cường triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh,
Bước tiến mới trong điều trị ung thư
Gần đây, BV Ung bướu Hà Nội (42A phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) đã ứng dụng thành công phương pháp xạ trị gia tốc đem lại niềm hy vọng cho bệnh nhân ung thư. Được thành lập trên cơ sở tách Khoa Khối u của BV Đa khoa Thanh Nhàn, năm 2008 BV chính thức mang tên Ung bướu Hà Nội. Đến năm 2009, BV được phép tiếp nhận bệnh nhân ung bướu có thẻ BHYT từ miền Trung trở ra. Trong suốt quá trình hoạt động, BV đã đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế đã đạt tầm khu vực và thế giới. Đặc biệt, BV đã ứng dụng thành công phương pháp xạ trị gia tốc, giúp kéo dài sự sống cho nhiều bệnh nhân ung thư.
Chụp cộng hưởng từ chẩn đoán bệnh ở vùng não bằng trang thiết bị hiện đại tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Hữu Oai |
Bác sĩ Phan Anh (Phó trưởng Khoa Xạ trị, BV Ung bướu Hà Nội) cho biết, xạ trị là một trong những biện pháp điều trị chính bệnh lý ung thư. Trước đây, việc xạ trị ung thư ở Việt Nam chỉ được thực hiện bằng máy xạ trị Cobalt. Loại máy này không cho phép điều chỉnh liều xạ trị theo ý muốn vì khi xuyên qua cơ thể, tia xạ sẽ giảm dần với tốc độ không đổi. Trái lại, với máy gia tốc, người sử dụng có thể thay đổi liều xạ trị cho phù hợp với tính chất và độ nông sâu của từng khối u khác nhau. Ngoài ra, máy gia tốc còn an toàn hơn vì ngừng phát tia khi tắt máy, với máy Cobalt thì chất phóng xạ vẫn phân rã liên tục. Sự ra đời của phương pháp xạ trị cao làm tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân một cách rõ rệt, đồng thời giảm thiểu tác dụng phụ. "Với phương pháp xạ trị gia tốc, độ chính xác tuyệt đối và an toàn hơn cho cả người bệnh và nhân viên y tế bởi máy có nhiều tính năng ưu việt, tối ưu hóa khả năng điều trị bệnh, nhất là tập trung tiêu diệt khối u ác tính, hạn chế sự tổn thương của các mô lành xung quanh" - bác sĩ Phan Anh nhấn mạnh.
Bệnh nhân Nguyễn Văn Trường, một trong những người đang được điều trị thành công bằng phương pháp xạ trị gia tốc tại BV Ung bướu Hà Nội tâm sự: "Cách đây 3 tháng, kết quả xét nghiệm cho biết tôi bị ung thư vòm họng. Đối với một thanh niên mới 30 tuổi như tôi, mọi thứ dường như chấm dứt". Anh kể: "Lúc nhận được tin dữ, không chỉ tôi mà gia đình ai nấy đều buồn bã, tuyệt vọng. Thế nhưng, khi biết được tại BV Ung bướu Hà Nội đang điều trị thành công cho nhiều ca bệnh ung thư bằng phương pháp mới, một chút hy vọng lại lóe lên. Trong thời gian điều trị tại BV, nhờ sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các y bác sĩ, hiện sức khỏe tôi đang tốt lên từng ngày".
Bác sĩ Phan Anh nhận xét, trung bình mỗi ngày, BV điều trị cho khoảng 80 - 100 lượt bệnh nhân bị ung thư phổi, vú, vòm họng, thực quản, tuyến tiền liệt… Đa phần bệnh nhân đều được chỉ định xạ trị. Bệnh nhân Nguyễn Văn Trường là một trong số nhiều bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp xạ trị gia tốc.
Thắp sáng hy vọng cho người bệnh
Một ngày tháng 2-2014, chúng tôi đến BV Tim Hà Nội lúc các bác sĩ ở đây vừa kịp thời cứu sống một bệnh nhân 64 tuổi bị vỡ tim. Tình huống khẩn cấp đến mức bệnh nhân được phẫu thuật ngay tại buồng bệnh mà không kịp chuyển lên phòng mổ.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của nhồi máu cơ tim là vỡ tim gây đột tử. Hầu hết bệnh nhân gặp phải biến chứng trên đều khó qua khỏi, trường hợp nói trên là bệnh nhân đầu tiên bị vỡ tim được cứu sống. Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, đối với trường hợp trên, các bác sĩ chỉ có thời gian 3 phút để cứu bệnh nhân, nên nếu chỉ tập trung vào việc khâu và vá tim thì sẽ không kịp. Chính vì vậy, các bác sĩ đã quyết định kết hợp song song cả kỹ thuật can thiệp và phẫu thuật. Đầu tiên, các bác sĩ tiến hành ép tim, bóp tim ngay trong lồng ngực, đặt máy tuần hoàn để cho não, gan, thận… tiếp tục được nuôi dưỡng, sau đó thực hiện khâu và vá tim. Thành công của ca phẫu thuật này là nhờ sự phối hợp tốt và đồng bộ giữa các kíp hồi sức, gây mê, can thiệp, nội khoa, ngoại khoa…
Trong tương lai gần, BV Tim Hà Nội sẽ mở phòng mổ có đầy đủ phương tiện hiện đại nhất thế giới. Ở đó có sự phối hợp chặt chẽ của cả 2 kíp, bác sĩ can thiệp và phẫu thuật sẽ phối hợp với nhau trong cùng thời điểm, trên cùng bệnh nhân để giảm thiểu rủi ro cho người bệnh, cứu được những ca bệnh nặng nhất mà trước đây chưa làm được. "Điều quan trọng là có được sự phối hợp khăng khít giữa các khâu, từ hồi sức, gây mê đến phẫu thuật, hồi sức sau phẫu thuật… Nếu chỉ một khâu yếu thôi là chúng ta sẽ thất bại". - PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.
Hiện nay, ngành y tế Thủ đô đang tập trung phát triển các kỹ thuật mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, BV Xanh Pôn đã và đang triển khai thành công kỹ thuật ghép thận. Thời gian tới, BV sẽ chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tiến hành ghép gan cho người bệnh. Ngoài ra, các BV khác như Thanh Nhàn, Thận Hà Nội, Đa khoa Hà Đông… đều có những bước đột phá trong việc ứng dụng và thực hiện thành công các kỹ thuật cao như chụp cắt lớp vi tính bằng máy CT-Scanner 64 dãy, nội soi, chụp mạch chẩn đoán... Trong tương lai, Hà Nội tiếp tục triển khai các kỹ thuật khó như ghép gan, ghép tim, tủy, giác mạc… phấn đấu trở thành trung tâm ghép tạng có trình độ kỹ thuật ngang tầm quốc gia và một số nước trong khu vực.
Có thể nói, việc đầu tư một cách có chiến lược đã đánh dấu một bước tiến mới, một sự "thay da, đổi thịt" cho ngành y tế Thủ đô, đem lại hiệu quả thiết thực trong quá trình khám, chữa bệnh cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.