Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành logistics đã thúc đẩy hoạt động thương mại trong đại dịch

Lam Giang| 28/04/2022 14:21

(HNMO) - Trong giai đoạn dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản duy trì được chuỗi cung ứng. Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020 trong Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2021, đứng thứ 8 trong tốp 10 quốc gia đứng đầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.Giang

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 28-4.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, những năm qua, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,25 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 668,5 tỷ USD tỷ USD năm 2021. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song xuất nhập khẩu cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD. Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Kết quả trên có đóng góp tích cực của ngành dịch vụ logistics.

“Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, song theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham luận tại hội thảo. Ảnh: L.Giang

Chia sẻ tại hội thảo, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, để tăng năng lực, đơn vị đang triển khai mô hình kinh doanh dịch vụ logistics gắn với dịch vụ khai thác cảng sông, cảng nước sâu. Hệ sinh thái này đang kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc vào Nam, đồng thời kết nối với các cảng quốc tế trong khu vực.

Tuy nhiên, hoạt động của Tân cảng Sài Gòn đối mặt nhiều khó khăn như giá nhiên liệu tăng đột biến, quy trình xử lý thủ tục xuất nhập khẩu tại cảng còn rườm rà, hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển đồng bộ, hệ thống cảng cạn cho các cảng biển phần lớn trong tình trạng quá tải... Do đó, ông Trương Tấn Lộc kiến nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030; dự báo sản lượng thông quan các cảng biển nhóm 4; triển khai các dự án giao thông đường bộ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và hệ thống giao thông đường sắt quốc gia...

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinafco cho rằng, thị trường logistics Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhưng rất phân tán. Bà Hương kiến nghị cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên hoàn gồm các trung tâm logistics có khả năng liên kết kho, vận tải đường bộ, đường thủy và đường sắt. Ngoài ra, cần có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ tích hợp; xây dựng chương trình quốc gia về phát triển giải pháp công nghệ cho ngành logistics... 

Các ý kiến tham luận tại hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển dịch vụ logistics thành một ngành đem lại giá trị gia tăng cao; đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cơ hội với ngành dịch vụ logistics trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19…

Trong khuôn khổ hội thảo, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo xuất khẩu Việt Nam năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành logistics đã thúc đẩy hoạt động thương mại trong đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.