Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ thu vượt dự toán (285.000 tỷ đồng) do Quốc hội và Chính phủ giao, phấn đấu đến mức cao nhất để đạt được chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao là 295.000 tỷ đồng.
Họp báo tại Tổng cục Hải quan. Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Đây là ý kiến của đại diện Tổng cục Hải quan tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về kết quả thu ngân sách nhà nước 11 tháng và các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2017 do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 29-11.
Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2017, ngành hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 285.000 tỷ đồng (thuế xuất nhập khẩu (XNK) + tiêu thụ đặc biệt + bảo vệ môi trường là 101.700 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng: 183.300 tỷ đồng); bình quân mỗi tháng phải thu 23.750 tỷ đồng.
Tính riêng số thu NSNN từ ngày 1-11 đến ngày 28-11 đạt 23.226 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm là 261.158 tỷ đồng, đạt 91,6% dự toán. Ước thu tháng 11 đạt 25.000 tỷ đồng và 11 tháng qua đạt 263.000 tỷ đồng, bằng 92,28% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016 (240.152 tỷ đồng).
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, tháng 12 là tháng cuối năm, số thu NSNN thường tăng đột biến do doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa chuẩn bị cho các dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán 2018 rơi vào tháng 2 nên dự kiến số thu tháng 12-2017 sẽ không tăng mạnh như các năm trước, dự kiến số thu tháng 12-2017 đạt 26.000 tỷ đồng.
Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ thu vượt dự toán (285.000 tỷ đồng) do Quốc hội và Chính phủ giao, phấn đấu đến mức cao nhất để đạt được chỉ tiêu do Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao là 295.000 tỷ đồng.
Để đạt được mức thu như trên, ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết là do một số yếu tố. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đầu năm ước đạt 384,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 193,7 tỷ USD, tăng 21,1% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 191 tỷ USD, tăng 21%.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11-2017 ước tính thặng dư 200 triệu USD. Như vậy, tính trong 11 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 2,76 tỷ USD, tỉ lệ nhập siêu 11 tháng giảm 0,7%.
Nhìn chung, 11 tháng qua, các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng tốt, nhưng số thu tăng chủ yếu vẫn ở các mặt hàng chủ lực như ô tô và linh kiện ô tô, xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị (chiếm khoảng 50%/tổng thu): xăng dầu nhập khẩu các loại tăng 39% về trị giá; sắt thép nhập khẩu các loại tăng 14,3%; máy móc thiết bị nhập khẩu tăng 20,7%.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 36 ngân hàng, trong đó có 5 ngân hàng (Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB và VietinBank) thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Đòng thời, tập trung triển khai hiệu quả các đề án trọng tâm của ngành như: Đề án quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển; Đề án quản lý và giám sát hải quan tại cảng hàng không; Đề án quản lý hàng gia công xuất khẩu... tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, bảo đảm ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại làm thất thu thuế của Nhà nước.
Về công tác quản lý nợ thuế, Tổng cục Hải quan cũng đã tổ chức các đoàn công tác tới các Cục Hải quan địa phương để hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nợ thuế như Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn... để quát triệt, yêu cầu các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế. Đây là những địa phương có số thu lớn, nợ thuế cao, nợ mới phát sinh tăng, loại hình phức tạp, nhiều mặt hàng nhạy cảm...
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng nợ thuế tới ngày 31-10 là 5.406 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2016. Trong số này nợ khó thu là 3.770 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm ngoái.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế XNK, một số khoản nợ thuế lớn đang tập trung vào các doanh nghiệp ô tô. Ông Lê Mạnh Hùng cho biết việc xác định trị giá hàng hóa khá phức tạp. Lý do là theo hiệp định khi Việt Nam gia nhập WTO, trị giá hải quan được xác định trên cơ sở người nhập khẩu khai báo. Tuy nhiên, việc Việt Nam đang đồng bộ hệ thống pháp luật, quản lý, nâng cấp kết nối đã khiến nhiều doanh nghiệp lợi dụng để khai báo trị giá thấp nhằm trốn thuế. Trong khi đó, nhiều khoản theo quan niệm của doanh nghiệp nghĩ không phải nộp (thực tế quy định có).
“Điều này dẫn tới việc khi cơ quan hải quan ấn định trị giá thì doanh nghiệp sẽ khiếu nại và một số trường hợp đã phải ra tòa”, ông Lê Mạnh Hùng cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.