(HNM) - Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi mức độ tự động hóa được đẩy lên tối đa, ngành Dệt may Việt Nam sẽ mất lợi thế về nhân công giá thấp và tay nghề cao.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam |
Với sự nhạy bén và linh hoạt, trong 10 năm qua, ngành Dệt may Việt Nam đã đón được xu hướng dịch chuyển sản xuất của thế giới tới Việt Nam, vươn lên mạnh mẽ với mức tăng trưởng gấp chục lần. Riêng năm 2017, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, ngành Dệt may đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng trên 10,2%, vượt mục tiêu đề ra.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tại các quốc gia xuất khẩu dệt may chính trên thế giới vẫn đang giảm sút. Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành Dệt may Việt Nam đã nỗ lực phát triển đa dạng hóa các thị trường và có sự bứt phá tại các thị trường khác như Trung Quốc, Nga, Campuchia… Ngoài các sản phẩm dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.
Tuy nhiên, trước xu thế phát triển mới của nền kinh tế thế giới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu diễn ra, với trình độ tự động hóa cao, sử dụng robot, tất yếu lượng lao động sẽ giảm mạnh. Không những thế, các khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông được kết nối với nhau nhờ internet nên chi phí quản lý, thiết kế cũng được giảm đáng kể. Như vậy, lợi thế về nhân công giá thấp sẽ không còn, dẫn đến nguy cơ sản xuất hàng dệt may sẽ dịch chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển.
Thời điểm này, dệt may Việt Nam đứng trước bối cảnh bị kẹt về lợi thế, khi nhân công giá thấp của Việt Nam không so được với các quốc gia như Bangladesh, Campuchia, nhưng về công nghệ lại không thể cao bằng các quốc gia phát triển. Trong bối cảnh đó, nếu không có chiến lược chuyển đổi hợp lý, lựa chọn đầu tư không đúng đắn thì dệt may Việt Nam sẽ gặp trở ngại lớn trong việc duy trì sự phát triển và tồn tại.
Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường phân tích, để thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển, trước hết, ngành Dệt may Việt Nam phải tăng năng suất lao động bằng công nghệ, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Cụ thể là phải đầu tư tiếp cận công nghệ hàng đầu của thế giới, giảm lượng lao động trên một sản phẩm. Làm được điều đó, các doanh nghiệp dệt may có thể tăng năng suất, rút ngắn thời gian giao hàng, cùng với đó là tăng lương cho người lao động, thu hút được nhân sự...
Thực tế những năm gần đây, xuất khẩu dệt may Việt Nam liên tục tăng ở mức 3 tỷ USD/năm. Để đạt mức tăng trưởng ấn tượng này, thì một nửa trong số đó dựa vào sự đầu tư mới các nhà máy sản xuất. Nhưng với phương thức đầu tư vào công nghệ hiện đại, thì doanh nghiệp không cần mở thêm nhà máy mới, tiếp tục sử dụng lượng công nhân như cũ mà vẫn tăng trưởng nhờ năng suất. Hơn thế, khi ngành áp dụng công nghệ quản lý kết nối tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, thì còn giảm được chi phí tồn kho. Sự kết nối thông tin như vậy khiến các bên có thể sử dụng sản phẩm của nhau trong chuỗi sản xuất nhanh nhất, tối ưu hóa thời gian di chuyển hàng, giảm chi phí chung cả quá trình sản xuất.
Trong thời điểm này, việc chuyển đổi công nghệ hiện đại theo lộ trình là phương thức đúng đắn để ngành Dệt may giữ được đơn hàng và việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc giảm thuế, lãi suất vay vốn ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, nhất là đầu tư vào sản xuất xanh, sạch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.