(HNM) - Không có vốn để tái đàn, thay vì làm ông chủ, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi nước ngoài.
Đến thăm khu chăn nuôi tập trung của xã Tốt Động (Chương Mỹ) dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi thấy tâm trạng của người dân còn "nóng" hơn. Phó Chủ tịch UBND xã Tốt Động Hà Viết Lịch cho biết, trước đây xã có hơn 100 trang trại (TT) chăn nuôi nhưng do thua lỗ nên hiện chỉ còn khoảng 80 TT hoạt động. Điều đáng buồn hơn cả là không còn nhiều ông chủ tự chăn nuôi nữa mà chuyển sang làm gia công cho các công ty nước ngoài để lấy công làm lãi. Anh Đỗ Công Hùng ở xóm Trại, xã Tốt Động buồn rầu cho biết, gia đình anh bắt đầu chăn nuôi từ năm 2000 nhưng chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh khó khăn như bây giờ. Không còn vốn để tiếp tục tái đàn nên 2 tháng nay, TT của anh đã chuyển sang làm gia công cho Công ty cổ phần Japfa Comfeed Việt Nam với số lượng 4.500 con gà. "Chăn nuôi gia công cho công ty nước ngoài không lo đầu ra vì được bao tiêu sản phẩm, dù lãi ít nhưng thời điểm này tránh được rủi ro thua lỗ" - anh Hùng cho biết.
Trang trại của anh Đỗ Công Hùng (Chương Mỹ) nuôi gia công gà cho Công ty cổ phần Japfa Comfeed Việt Nam. |
Không chỉ có các hộ chăn nuôi nhỏ phải chuyển sang làm gia công, đến các HTX chăn nuôi theo mô hình liên kết cũng chung cảnh ngộ. Anh Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết, HTX vẫn duy trì nuôi 200.000 con lợn và 1,5 triệu con gia cầm/lứa, mặc dù làm ăn thua lỗ nhưng các TT vẫn phải cố gắng duy trì sản xuất bởi nếu bỏ chuồng thì thất nghiệp. HTX có khoảng 600 TT chăn nuôi lợn, gà nhưng có tới 60-70% làm thuê cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Chăn nuôi thuê cho DN nước ngoài không phải chịu gánh nặng về sự lên xuống của giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN), không còn rủi ro về giá đầu ra sản phẩm.
Tái cấu trúc ngành
Theo các chuyên gia, trong khi người dân và các DN trong nước đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì các công ty chăn nuôi nước ngoài lại làm ăn phát đạt, chiếm lĩnh thị trường và ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho biết, do nguồn vốn eo hẹp và lệ thuộc vào con giống, TĂCN nên hầu hết DN, hộ chăn nuôi trong nước đang chật vật để chiếm lĩnh thị phần với các công ty nước ngoài. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), các DN nước ngoài đang chiếm 72% thị phần gà công nghiệp, 25% nhập khẩu từ các nước, trong nước chỉ chiếm 3%. Vì vậy, trong thời điểm đang bị thua lỗ và không còn đủ vốn để duy trì sản xuất, thay vì tự chủ động khắc phục, người chăn nuôi đã chuyển sang làm gia công cho DN nước ngoài. Hiện nay, cả nước có khoảng 20.000 hộ chăn nuôi đang gia công cho Công ty cổ phần CP (Thái Lan), một thực trạng đáng buồn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước không có giải pháp kịp thời thì chỉ một thời gian ngắn nữa các DN nước ngoài sẽ thao túng và nắm thế chủ động trong việc quyết định giá bán và ngành chăn nuôi của nước ta sẽ ngày càng bị lệ thuộc. Trên thực tế, người dân rất muốn chủ động trong việc chăn nuôi, nhưng do nguồn vốn hạn chế cũng như chưa có kinh nghiệm trong chiến lược kinh doanh nên chỉ một thời gian giá xuống thấp là bỏ chuồng. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời như vốn, lãi suất... để giúp nông dân duy trì sản xuất và đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, cần phải tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng phát triển chăn nuôi TT chuyên nghiệp. Trong đó liên kết chặt chẽ việc cung ứng nguyên liệu chăn nuôi, sản phẩm và thị trường. Ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người chăn nuôi cũng phải tự biết cứu mình, liên kết thành lập các hiệp hội hoặc HTX để có thể chủ động từ việc cung cấp con giống, TĂCN đến tiêu thụ sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.