Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân sách thất thu, người dân chịu thiệt

Hương Ly| 15/12/2012 07:19

(HNM) - Đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều năm, nhưng vẫn liên tục báo lỗ và không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là tình trạng khá phổ biến tại nhiều DN lớn hiện nay.


Để tuyên chiến với hành vi gian lận ngày càng tinh vi của các DN lớn đòi hỏi ngành chức năng phải sớm xây dựng một đội đặc nhiệm có trình độ chuyên môn cao nhằm sớm nhận diện sai phạm, chống thất thu NSNN và góp phần tạo bình đẳng trong kinh doanh giữa các DN.

Thống lĩnh thị trường đồ uống Việt Nam nhưng Coca Cola liên tục báo lỗ trong những năm qua. Ảnh: Thuận Thắng


"Đại gia" lãi thật, lỗ giả

Thống kê của ngành thuế cho thấy, tình trạng các DN lớn thuộc các tập đoàn đa quốc gia tên tuổi đang kinh doanh phát đạt ở Việt Nam, nhưng liên tục báo lỗ diễn ra khá phổ biến. Trường hợp của Metro Cash&Carry Việt Nam và Công ty Coca Cola Việt Nam là hai ví dụ điển hình.

Tại Metro Cash&Carry Việt Nam, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm, nhưng DN vẫn kiên trì báo… lỗ. Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỷ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỷ đồng. Năm 2008, doanh thu đạt 8.175 tỷ đồng, lỗ hơn 190 tỷ đồng. Năm 2009, doanh thu đạt 8.728 tỷ đồng, lỗ 160 tỷ đồng… Sau khi chuyển lỗ qua các năm, đến năm 2012 số lỗ của DN này là 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Với lý do thua lỗ kéo dài, DN này chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu và không nộp thuế TNDN.

Dấu hiệu “lỗ giả” cũng được phát hiện tại Công ty Coca Cola Việt Nam. Năm 2004, doanh thu của DN đạt 728 tỷ đồng, số lỗ là 110 tỷ đồng. Năm 2006, doanh thu lên tới 1.026 tỷ đồng, số lỗ tăng lên 253 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu của Coca Cola Việt Nam đạt 2.529 tỷ đồng thì chi phí lên đến 2.717 tỷ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỷ đồng. Đến nay, công ty này lỗ lũy kế tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng.

Tại hội thảo về "Quản lý hoạt động chống chuyển giá" do Bộ Tài chính tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, năm 2012 ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra 1.495 DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá. Qua đó, nhiều DN từ lỗ nặng (theo báo cáo của DN) đã có lãi. Ngành đã truy thu và phạt hơn 622 tỷ đồng, giảm lỗ 3.307 tỷ đồng, nộp ngân sách 207 tỷ đồng. Đặc biệt, có cuộc thanh tra, cơ quan thuế đã điều chỉnh giảm giá vốn gần 80 triệu USD. Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một số công ty đa quốc gia đã có hành vi chuyển giá thành công và "né" được những khoản tiền thuế khổng lồ là do có "hậu trường" với các nhân sự có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong lĩnh vực kiểm toán và thuế. Trong khi đó, lực lượng cán bộ thanh tra thuế hiện nay còn mỏng và trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Đặc biệt, có những cán bộ trình độ kế toán rất tốt, nhưng lại yếu về ngoại ngữ. Một số cán bộ có khả năng hiểu biết tốt về thuế quốc tế, nhưng lại không phân tích được báo cáo tài chính và hiện Việt Nam chưa có đội thanh tra chuyên trách về giá chuyển nhượng. Thiếu nhân lực có chuyên môn sâu, việc ngăn chặn và phát hiện sớm các hành vi sai phạm ngày càng tinh vi của DN, nhất là các DN lớn đã hoạt động lâu năm với mạng lưới rộng khắp tại nhiều quốc gia trở nên rất khó khăn. Hệ quả là ngân sách thất thu, các DN làm ăn chân chính bị cạnh tranh thiếu lành mạnh và người dân chịu thiệt thòi khi phúc lợi xã hội bị ảnh hưởng.

Giám sát đặc biệt những doanh nghiệp nghi vấn

Thực tế cho thấy, hành vi gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá diễn ra phổ biến trên toàn cầu, gây thiệt hại cho nhiều quốc gia. Báo cáo điều tra của Thượng viện Mỹ công bố mới đây cho thấy, phần lớn công ty đa quốc gia có xuất xứ từ nước này đều có hành vi “né” thuế, như Google, Microsoft, Apple... Ủy ban Kiểm toán công Quốc hội Anh cũng vừa chỉ tên các tập đoàn "né" thuế hàng đầu tại quốc gia này là Amazon, Google và Starbucks. Với hệ thống quản lý thuế còn nhiều lỗ hổng hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia đã chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài để tránh đóng thuế, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách của nhiều quốc gia.

Để chống lại hành vi gian lận, ông Michael Palmer, chuyên gia về chuyển giá của Australia cho rằng, các công ty đa quốc gia đều có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về giá chuyển nhượng từ khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của họ là lập kế hoạch nhằm giảm số tiền thuế phải nộp. Để ngăn chặn, cơ quan thuế Australia đã lập các tổ thanh tra giá chuyển có thành viên là chuyên gia kinh tế, chuyên gia về giá chuyển nhượng và phải mất 1-2 năm mới hoàn thành một cuộc thanh tra. Muốn chống được tình trạng "lỗ giả, lãi thật", phải có những cán bộ giỏi cả về năng lực chuyên môn và ngoại ngữ. Đặc biệt, khi DN báo lỗ, cơ quan thuế phải thanh, kiểm tra thường xuyên và đưa vào diện giám sát đặc biệt những DN báo lỗ mà vẫn mở rộng đầu tư.

Để khắc phục tình trạng thất thu ngân sách qua hành vi chuyển giá, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, kế hoạch từ nay đến năm 2015, Tổng cục sẽ tập trung nhiều hơn cho công tác chống chuyển giá. Song, để thực hiện thành công, một mình cơ quan này không thể làm nổi, mà phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành. Bên cạnh việc điều chỉnh giảm thuế TNDN xuống mức phù hợp để khuyến khích DN nộp thuế đầy đủ, cần sửa đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nhằm hạn chế những kẽ hở khiến các DN có thể lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận, đồng thời, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng với những DN chân chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân sách thất thu, người dân chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.