Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa nguy cơ học sinh bị xâm hại tại trường học: Nhận diện để tránh rủi ro

Thống Nhất| 03/01/2020 06:57

(HNM) - Sau một số sự việc học sinh bị xâm hại tại trường học thời gian qua, việc bảo đảm an toàn trong môi trường học đường lại được đặt ra. Với quy mô hơn 2.700 trường học, 2 triệu học sinh, thành phố Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó coi trọng việc hỗ trợ học sinh nhận diện nguy cơ bị xâm hại để tránh xảy ra rủi ro, xây dựng môi trường học tập an toàn.

Một buổi tuyên truyền giáo dục giới tính và vệ sinh cá nhân tuổi dậy thì cho học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Còn đó nguy cơ

Cuối tháng 10-2019, phiên tòa xét xử hiệu trưởng một trường học ở tỉnh Phú Thọ xâm hại tình dục nhiều nam sinh đã khép lại với bản án 8 năm tù, nhưng vẫn đặt ra nhiều mối âu lo cho phụ huynh. Điểm lại một số sự việc xảy ra trong năm 2019 cho thấy, học sinh đối mặt với nhiều nguy cơ xâm hại tại trường học. Đơn cử như việc một học sinh lớp 6 ở Thái Nguyên nghi bị bảo vệ nhà trường xâm hại; thầy giáo của một trường trung học phổ thông ở tỉnh Thái Bình nhắn tin cho học sinh nữ với lời lẽ vượt quá giới hạn thầy - trò…

Tại Hà Nội, theo Báo cáo số 269/BC-UBND của UBND thành phố về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, từ năm 2015 đến năm 2019, Tòa án nhân dân thành phố đã xét xử sơ thẩm 224 vụ với 256 bị cáo có hành vi xâm hại trẻ em, trong đó năm 2019 có 16 vụ. Nhằm ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn đối với học sinh, các trường học đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học; chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo; giáo dục học sinh về kỹ năng phòng, chống xâm hại… Em Nguyễn Diệu Hoa, học sinh Trường Trung học cơ sở Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) cho biết: "Chúng em được học cách nhận diện các nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại; trò chuyện với các chuyên gia, được giải đáp nhiều điều tưởng chừng khó nói liên quan đến vấn đề giới tính… Ngoài việc hiểu như thế nào là bị xâm hại, cách phòng tránh, chúng em còn được biết thêm một kênh có thể hỗ trợ khi gặp sự cố, đó là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111".

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến rủi ro, bà Trần Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho rằng, các chuyên gia thường dạy học sinh cách ứng phó với người lạ, ít khi đề cập đến việc cần cảnh giác với người quen, trong đó có giáo viên... Do vậy, nhà trường và gia đình cần phải cảnh báo cho học sinh về mọi nguy cơ và có cách thức hỗ trợ kịp thời. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, nguyên nhân còn do một bộ phận giáo viên không chuẩn mực về đạo đức, trong khi đó học sinh chưa nhận thức rõ về ranh giới của các hành vi; một số trường sư phạm chỉ chú trọng trau dồi kiến thức chuyên môn, chưa quan tâm trang bị kỹ năng sư phạm và những quy định về giới hạn trong cách cư xử giữa giáo viên với học sinh...

Xây dựng trường học an toàn

Giúp học sinh nhận diện, ứng phó với nguy cơ bị xâm hại, đồng thời quan tâm xây dựng trường học an toàn là giải pháp đang được thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt, nhằm hạn chế tối đa các sự cố trong trường học. Theo đó, các nhà trường đã, đang thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 15-1-2018 của UBND thành phố quy định về “Môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường”.

Thực hiện quy định trên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết, các trường học trên địa bàn đều có hai hệ thống camera, gồm ở trong trường và khu vực cổng trường (được kết nối với lực lượng công an nơi gần nhất). Ngoài ra, quận đang tổ chức thí điểm mô hình bảo vệ chuyên nghiệp tại một số trường học, nhằm kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh như ngăn kẻ xấu lẻn vào trường; tăng kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, nhất là tại các trường mầm non, tiểu học - nơi hầu hết giáo viên là nữ.

Đáng chú ý, việc trang bị cho học sinh kiến thức để nhận diện, phòng, tránh bị xâm hại là nội dung đang được các nhà trường quan tâm triển khai. Bà Nguyễn Thị Hoài, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ) chia sẻ: "Được sự hỗ trợ của nhà trường, chúng tôi đã giáo dục con biết cách tôn trọng cơ thể mình và cơ thể bạn; dạy con nhớ “quy tắc 5 ngón tay” giúp tự xác định 5 nhóm người có thể gặp và luôn nhớ, ngoài ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột, không ai được phép ôm mình, từ đó biết ứng xử phù hợp".

Cùng với mục tiêu xây dựng trường học an toàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hội B (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, nhà trường đã huy động các nguồn lực để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất khang trang, chú trọng đến các hạng mục như nhà vệ sinh, tường rào, cổng trường…

Để ngăn chặn nguy cơ học sinh bị xâm hại tại trường học, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, ngoài việc chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 16-1-2018 của UBND thành phố về “Ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Sở đã yêu cầu các nhà trường tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, chú trọng xây dựng cơ sở vật chất và bố trí lực lượng bảo vệ có chất lượng, kiểm soát các góc khuất; tăng cường ý thức tu dưỡng của đội ngũ nhà giáo theo các tiêu chí nhà giáo mẫu mực… Hà Nội cũng sẽ giám sát việc tuân thủ pháp luật tại các nhà trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại; tiếp tục rà soát chất lượng đội ngũ nhà giáo, kiên quyết xử lý và đưa ra khỏi ngành những trường hợp vi phạm đạo đức…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa nguy cơ học sinh bị xâm hại tại trường học: Nhận diện để tránh rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.