(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phối hợp trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y với 24 tỉnh, thành phố, qua đó ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô và các địa phương…
Theo tính toán, trung bình mỗi tháng, người tiêu dùng Thủ đô tiêu thụ gần 18.600 tấn thịt lợn hơi, gần 6.200 tấn thịt gà và thịt vịt, hơn 5.160 tấn thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm. Về thịt lợn hơi và gà, ngành chăn nuôi của thành phố cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu, nhưng với các thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thì mới đáp ứng được 50%, còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố.
Để kiểm soát nguồn cung thực phẩm của các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ, thành phố Hà Nội đã ký kết phối hợp với 24 tỉnh, thành phố của cả nước trong công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức của thành phố đã thực hiện kiểm dịch hơn 7,8 triệu tấn sản phẩm động vật nhập về thị trường Hà Nội tiêu thụ và hơn 24,8 triệu tấn sản phẩm động vật từ Hà Nội xuất đi các tỉnh, thành phố.
Tuy vậy, trong công tác phối hợp kiểm dịch động vật giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố vẫn còn một số bất cập. Theo ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Kiểm dịch động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội còn thấp. Việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật cũng gặp khó khăn. Cụ thể, phần lớn phương tiện vận chuyển thực phẩm không đúng như trong giấy kiểm dịch; chủng loại số lượng sản phẩm cũng không khớp với hồ sơ và thực tế.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc Lê Xuân Công cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ sở sản xuất của tỉnh Vĩnh Phúc đã cung cấp 150 triệu quả trứng gà, 1.700 tấn thịt gà, 10.000 tấn thịt lợn cho thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, do ý thức chấp hành các quy định của người sản xuất, kinh doanh chưa cao, thậm chí có trường hợp thương lái tẩy xóa ngày tháng trên giấy chứng nhận kiểm dịch, khiến cho công tác quản lý gặp khó khăn...
Lý giải những khó khăn trong công tác phối hợp kiểm dịch sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Do một số tỉnh, thành phố chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, mà chủ yếu là giết mổ nhỏ lẻ đã gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Mặt khác, các hộ chăn nuôi của các tỉnh, thành phố vẫn còn nhỏ lẻ nên khi có nhu cầu kiểm dịch vận chuyển thì hầu như hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ thủ tục giấy tờ...
Để làm tốt hơn trong công tác phối hợp kiểm dịch động vật, nhất là trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trước mắt Hà Nội và các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh trên địa bàn để cùng phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố lập chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm tra chặt chẽ việc xuất, nhập gia súc, gia cầm ra khỏi địa bàn...
Đề cập vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng kiến nghị Cục Thú y tham mưu Bộ NN&PTNT kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sát với thực tế để vừa kiểm soát tốt động vật, sản phẩm động vật đưa vào kinh doanh vừa tạo thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh. Đối với các tỉnh, thành phố cần chủ động thông tin cho nhau tình hình dịch bệnh, sản phẩm xuất đi, các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các quy định đặc thù về thú y của địa phương mình... Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp, định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng động vật, sản phẩm động vật của các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội tiêu thụ và ngược lại để truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.