(HNMO) - Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp hội Lim, các liền anh, liền chị thôn Duệ Đông (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) lại tổ chức canh hát quan họ cổ. Là món ăn tinh thần, một nét sinh hoạt văn hóa đẹp của người dân Kinh Bắc, những canh hát hội Lim luôn cuốn hút và làm say đắm lòng người.
Trong ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Kim Thanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ thôn Duệ Đông, canh hát quan họ cổ được phục dựng lại với đầy đủ lề lối. Nam ngồi đối diện với nữ, giữa chiếu là những cơi trầu têm cánh phượng và chén trà thơm. Bà Thanh cho biết, đây là năm thứ tư nhà bà được bầu chọn làm nơi tổ chức hát canh.
Canh hát truyền thống tại thôn Duệ Đông (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) |
Hát canh hay còn gọi là du ca tại gia hội tụ nhiều tinh túy của nghề chơi quan họ. Để tham gia hát canh, các liền anh, liền chị phải có trong tay lưng vốn hàng trăm bài, vừa tinh tường nghề chơi, vừa am hiểu sâu sắc mọi phong tục lẫn sự khéo léo, lịch thiệp trong giao tiếp, ứng xử.
Hát canh hội Lim thường được mở vào 12 tháng giêng (âm lịch). Một canh hát theo đúng lề lối kéo dài từ 7h tối đến 2 giờ sáng.
Sau khi ca “Mời nước mời trầu” thay cho lời chào gửi đến quan họ bạn, đôi bên đi đến chặng “Lề lối”. Ở chặng này, mỗi bên phải ra hoặc đối được 5 giọng cổ: Hừ la, La rằng, Tình tang, Cái ả, Cây gạo. Người xưa coi đây như một giải pháp nhằm bảo tồn gốc rễ quan họ.
Chặng thứ hai là giọng lẻ, giọng vặt hay còn gọi là hát giao duyên. Hát giọng vặt không bắt buộc theo trình tự tên các bài ca. Các bài giọng vặt cũng đậm đà hơn, tình nghĩa gắn bó hơn, thể hiện nỗi nhớ mong, thương cảm về cuộc đời, về số phận con người.
Những bài ca giã bạn được cất lên vào chặng cuối, trước khi tàn canh hát. Trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, nuối tiếc không nguôi, lời ca cứ dùng dằng, níu kéo “Người ơi người ở đừng về/ Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa”.
Canh càng về khuya, những bài hát thiết tha gắn bó về nỗi nhớ niềm thương khiến canh hát càng đẩy tới cao trào của cảm xúc, thể hiện sự tài hoa bay lượn, luyến láy của nghệ thuật ca quan họ. Các liền anh, liền chị như tỉnh, như say trong tình bạn, tình yêu, tình người.
Anh Hai Nguyễn Thu Ưng (Lạng Sơn), người đã gắn bó với quan họ 27 năm nay chia sẻ: “Tôi là người con của làng Duệ Đông nhưng sau này lại lập nghiệp ở nơi xa. Song vì tình yêu với quan họ, hội Lim nào tôi cũng trở về quê hương để hát cho thỏa nỗi lòng”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.