Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn nạn lạm dụng đốt vàng mã

Nhóm phóng viên| 11/08/2022 06:16

(HNM) - Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trong mùa lễ Vu lan năm nay, mặc dù nhiều người đã thay đổi nhận thức, hạn chế cúng, đốt vàng mã, các cơ sở thờ tự đã từ chối các khóa lễ có tập tục này, tuy nhiên tình trạng bày bán và đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến. Việc đốt vàng mã tràn lan vừa lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn có thể dẫn đến hỏa hoạn, tai nạn không mong muốn khác. Chính vì thế, ngăn chặn nạn lạm dụng tục đốt vàng mã là cần thiết...

Nghề sản xuất vàng mã tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) ngày càng thu hẹp.

Nơi nghiêm túc, chỗ thờ ơ

Tại làng nghề chuyên sản xuất vàng mã ở thôn Phúc Am, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín), số hộ sản xuất vàng mã giảm đi nhiều bởi đa phần đã nhận thức rõ việc không nên đốt vàng mã. Trưởng thôn Phúc Am Phùng Quyết Thắng cho biết, năm 2021, số lượng vàng mã thôn làm ra giảm 70% do người dân chuyển nghề và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện thôn chỉ còn khoảng 30 hộ đang sản xuất, kinh doanh hàng mã.

Ở các đền chùa, tình trạng đốt vàng mã gần như chấm dứt. Ni sư Thích Đàm Hợp, tu hành ở chùa Vân, thôn Yên Viên, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) cho biết, 20 năm qua, Phật tử và người dân về lễ tại chùa Vân không mua và đốt vàng mã. Nhiều gia đình trong thôn đã bỏ hẳn thói quen đốt vàng mã. 

Trong khi nhiều nơi thực hiện nghiêm túc thì vẫn còn không ít người lưu giữ hủ tục đốt vàng mã trong tháng "xá tội vong nhân". Ngày 8-8 (tức 11 tháng Bảy âm lịch), phóng viên khảo sát ở phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) vẫn thấy có nhiều mẫu vàng mã được bày bán, từ ngựa, quần áo, mũ nón, tiền vàng... đến các sản phẩm bắt kịp xu hướng như điện thoại, mũ, ô tô... được trưng bày bắt mắt. Chị Mai Hoàng Loan, chủ một cửa hàng bán đồ vàng mã ở phố Hàng Mã cho biết, sức mua năm nay có giảm so với trước nhưng người dân vẫn giữ phong tục mua vàng mã về đốt, gia đình mua ít thì khoảng 5 bộ, nhiều thì 15 bộ.

Tại các chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm), Tứ Liên (quận Tây Hồ)..., người dân vẫn tấp nập mua vàng mã về cúng rằm, đặc biệt trong hai ngày cuối tuần. Những tập tiền âm phủ in hình đô la hoặc in hình tiền Việt Nam theo các mệnh giá 200.000 đồng, 500.000 đồng, các loại đồ mã như nhà tầng, xe máy, ô tô... để dâng cúng và hóa vàng vẫn được mua bán thường xuyên.

Một cửa hàng bán vàng mã tại phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm).

Tăng cường tuyên truyền, thay đổi thói quen

Theo Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái (huyện Thường Tín) Nguyễn Thị Thanh Hoa, từ quy mô gần 200 hộ sinh sống bằng nghề sản xuất vàng mã, nay làng nghề Phúc Am chỉ còn lại 30 hộ bám trụ với nghề. Một số hộ chuyển sang buôn bán gạo, hoa quả, nhiều lao động khác thì làm việc ở các làng nghề, công ty, doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ đó, cuộc sống của các hộ gia đình ổn định và sung túc hơn. Nhưng điều quan trọng là họ đã thay đổi nhận thức, chủ động chuyển đổi nghề nghiệp không còn phù hợp với thị trường nữa.

Liên quan đến việc hạn chế và nghiêm cấm đốt vàng mã, từ năm 2018, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản nghiêm cấm đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, qua đó giảm thiểu số lượng lớn vàng mã bị đốt mỗi năm. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát và nhắc nhở Ban Quản lý các di tích, Ban Quản lý lễ hội phải thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, vận động người dân đi lễ văn minh, đốt vàng mã đúng nơi quy định.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung cho biết, để chủ trương không sử dụng vàng mã tại cơ sở thờ tự đi vào cuộc sống, phường Dịch Vọng thường xuyên bố trí lực lượng nhắc nhở người dân, cũng như yêu cầu các Ban Quản lý di tích bố trí lực lượng ứng trực, nhắc nhở người đến lễ chỉ thắp tối đa 3 nén hương, không đặt vàng mã... Còn Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Thu Hương cho biết, đơn vị thường xuyên tuyên truyền và kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng mã tại các chợ; yêu cầu các cửa hàng bán vàng mã chấp hành quy định không bày bừa bãi, tránh gây mất an toàn phòng cháy, chữa cháy trong khu vực.

Để ngăn nạn lạm dụng đốt vàng mã, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần đưa ra quy định cấm sản xuất, mua, bán, cúng vàng mã theo hủ tục mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, văn hóa theo hướng văn minh mà vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp.

Ngày 10-8, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần tuân thủ theo đúng quy định, trong đó cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy... Với hộ gia đình, bố trí nơi thắp hương, thờ cúng phải bảo đảm đồ lễ thắp hương dễ cháy như vàng mã, đèn, nến phải để xa bát hương; khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương... Khi xảy ra cháy, nổ, cần nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy qua số điện thoại 114.

Chu Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn nạn lạm dụng đốt vàng mã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.