Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa phát hành tập thơ Ngàn năm thơ trữ tình. Đây là một việc làm có ý nghĩa của Hội Nhà văn Hà Nội hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và do các nhà thơ: Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Bùi Việt Mỹ, Trường Giang, Vũ Quang Tần biên tập, tuyển chọn. Tập thơ dày gần một nghìn trang , tập trung giới thiệu 524 bài thơ của 524 tác giả từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 21.
Một lần nữa, những người yêu Hà Nội lại có dịp thưởng thức lại những áng thơ đáng nhớ qua nhiều thời đạicủa Vạn Hạnh Thiền Sư, Lý Thường Kiệt, Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,Nguyễn Du,Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Nhược Pháp, Trần Huyền Trân, Phạm Ngọc Cảnh, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Ninh Hồ...
Một vẻ đẹp Hà Nội xưa đầy hoài cổ được Bà huyện Thanh Quan thể hiện một cách tài hoa: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Một tình yêu Hà Nội xưa đầy dấu ấn được Nguyễn Du bộ lộ một cách chân thành:
Năm tháng đà nguyên vẹn núi sông
Bạc đầu còn được đến Thăng Long.
Một vẻ đẹp bình dị mà hào hoa qua một giọng thơ gần gũi với ca dao và trở thành ca dao của Nguyễn Công Trứ:
Chẳng thơm cũng thể hoa lài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
Hai câu thơ đã đi vào tiềm thức của người Hà Nội với sự ám ảnh khôn nguôi về cội nguồn của Huỳnh Văn Nghệ:
Từ thuở mang gươm đi cứu nước
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.
Đối với nhiều nhà thơ giai đoạn từ 1946 đến 1975 ,Hà Nội là những gì thật gần gũi, gắn bó. Với Văn Cao là phố Phái:
Không người ở
Không số nhà
Không tên phố
Tôi gửi bài thơ về Phố Phái;
với Yến Lan là nỗi nhớ hoa hồng:
Nghe tin gió bấc chuyển vào đông
Tìm hướng nhà xưa rợp cúc, hồng
Đâu nỡ trách quê tình giục giã
Chỉ lo con trẻ bỏ bồn không;
với Nguyễn Đình Thi là ngày về:
Hà Nội chiều này mưa tầm tã
Ta lại về đây giữa phố xưa
Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa;
với Phạm Ngọc Cảnh là làng Bưởi:
Anh về làm rể thày thương
Mười năm những chín năm thường đi xa
Cầm tay trang giấy làng ta
Liềm xeo lăn vết qua ba đời người;
với Hữu Thỉnh là hoa sữa:
Em đi về phương Nam
Sông đầy và bến lở/ Để lại anh hoa sữa
Cuối thu thơm một mình;
với Bằng Việt là sự trở lại trái tim mình:
Dù nhiều điều tôi nhớ tôi quên
Nhưng Hà Nội trong tôi là vĩnh viễn;
Với Lưu Quang Vũ là vườn trong phố:
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra;
với Thi Nhị là xóm Hạ Hồi:
Thành phố nào chẳng có một xóm quê
Như cái xóm êm ru này Hà Nội
Và ai đó suốt cuộc đời dữ dội
Chẳng một vùng yên tĩnh giữa lòng sâu;
với Nguyễn Duy là một góc chiều Hà Nội:
Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích
Con rùa vàng gửi bóng ở trên mây
Cây si mọc chúc cành xuống nước
Thê Húc cong cong một nét lông mày;
với Trần Ninh Hồ là sân thượng:
Bìm bìm, sân thượng và tôi
Và em đâu giữa rối bời mưu sinh;
với Vũ Xuân Hoát là cơn giông Hồ gươm:
Qua sóng gió vơi đầy
Biết lòng không trôi dạt
Trong lặng im đáy trời
Hồ Gươm xanh chóng mặt;
với Phan Vũ là Hà Nội phố:
Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai
Tóc xõa vai mềm...
Điểm đáng chú ý nữa của tập thơ này là phần danh mục tác giả. Phần này giới thiệu vài nét cốt yếu về 524 tác giả, có giá trị tư liệu rất đáng quý.
Sau cùng, HNMĐT xin giới thiệu cùng bạn đọc một số bài thơ trích từ Ngàn năm thơ trữ tình:
Huỳnh Văn Nghệ
Nhớ Bắc
Ai về Bắc ta về với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Non nước rồng tiên nặng nhớ thương
Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại...ôi đất Bắc
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.
Nguyễn Đình Thi
Ngày về
Hà Nôi chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây giữa phố xưa
Nước hồ Gươm sao xanh dịu thế
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa
Ta nhìn, hai mắt ta nhìn mãi
Lòng ta như lửa đốt dầu sôi
Nằm lại những chân trời đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi
Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
Leng keng chuông xe điện đổ hồi
Lòng ta bỗng như dòng suối mát
Ta về đây, Hà Nội ơi
Hà Nội trán em còn ứa đỏ
Những áo hoa còn lấm bùn nhơ
Nhưng mỗi góc tường bao máu đỏ
Còn tươi nguyên như những lá cờ
Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng, gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta.
Huy Giang
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.