Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tung ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất hỗ trợ khách hàng vay mới, hoặc giảm lãi suất trực tiếp cho các doanh nghiệp đã vay, nhằm chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Sau AgriBank, VietcomBank, VPBank, ABBank, KienlongBank; VietinBank, MB hay TPBank cũng đang nhập cuộc, tung các gói, chương trình hỗ trợ, giảm lãi suất cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc VietinBank vừa yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch luôn cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra đối với doanh nghiệp, người dân là khách hàng của VietinBank để hỗ trợ kịp thời.
Các chi nhánh, phòng giao dịch tập trung rà soát các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như: Du lịch, kinh doanh dịch vụ lưu trú, xuất khẩu nông, thủy sản, vận tải, hàng tiêu dùng; hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với Trung Quốc, chủ động để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp, giảm lãi suất… theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
“Đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đối với thị trường Trung Quốc bị gián đoạn, khó khăn do dịch nhưng có phương án sản xuất kinh doanh mới, khả thi thì các chi nhánh VietinBank tiếp tục xem xét cho vay mới. Các khách hàng bị ảnh hưởng dịch cũng được hưởng cơ chế lãi suất ưu đãi theo quy định của VietinBank, khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức lãi suất 6%/năm, các khách hàng khác được áp dụng mức lãi suất 6,8%/năm”, ông Trần Minh Bình nói.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đang áp dụng gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - một trong những phân khúc khách hàng chiến lược quan trọng của ngân hàng này.
Theo MB, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, MB đang triển khai gói tín dụng dành cho các SME với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm với khoản vay ngắn hạn (bình thường lãi suất cho vay ngắn hạn tại ngân hàng này dao động ở mức 7,7%).
Đối tượng khách hàng tham gia gói tín dụng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có nhu cầu vay vốn ngắn và trung dài hạn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh sản phẩm dịch vụ dược phẩm, y tế; sản xuất kinh doanh hóa chất; sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống; thiết bị điện, điện tử, điện lạnh; đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đầu tư xây dựng bệnh viện, trường học.
Ngoài gói tín dụng ưu đãi dành cho SME, MB còn chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng - ăn uống, các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh…, trên cơ sở đó đánh giá dòng tiền, lên phương án cấu trúc giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động kinh doanh, nhanh chóng vượt qua khủng hoảng.
Để hỗ trợ cho SME, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) và Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa ký Hợp đồng khung cho vay gián tiếp. Nguồn vốn hỗ trợ sẽ dành cho SME khởi nghiệp sáng tạo, SME tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Các doanh nghiệp được vay vốn của Quỹ khi đáp ứng được các điều kiện như: Có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi; bảo đảm nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất kinh doanh và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh…
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,16%/năm, trung và dài hạn là 6%/năm, mức lãi suất này sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay vốn. Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh.
Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm. Thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 2 năm. Doanh nghiệp được quyền trả nợ trước hạn mà không phải chịu bất cứ một khoản tiền hay phí trả nợ trước hạn.
Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SMEDF cho biết: Hiện phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp lớn cho GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội. Quỹ thực hiện chức năng cho vay trực tiếp hoặc cho vay gián tiếp thông qua giao vốn cho NHTM, tài trợ cho SME khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tăng cường năng lực cho SME.
Dịch cúm Covid-19 đã gây nhiều ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TPBank vừa thông báo triển khai các gói cho vay ưu đãi bằng VND và ngoại tệ với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và mức lãi suất giảm từ 1% - 1,5% so với biểu lãi suất hiện hành của TPBank nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.
Các đối tượng được hưởng ưu đãi là khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu... bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gây ra. Chương trình được áp dụng từ ngày 12-2 đến hết 30-6.
Đại diện TPBank cho biết: Ngân hàng sẽ xem xét gia hạn nợ, cơ cấu nợ mà không áp dụng lãi phạt, xem xét giảm lãi hoặc kiến nghị NHNN cho phép không chuyển nhóm nợ với các khách hàng này. Đồng thời, TPBank sẽ tiếp tục xem xét cho vay thực hiện các phương án kinh doanh mới của khách hàng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ xem xét chính sách giảm lãi suất cho các nhóm khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức giảm từ 0,5% - 1% từ nay đến hết tháng 6-2020. TPBank sẽ xem xét ân hạn gốc 3 tháng với những nhóm khách hàng mất hoàn toàn nguồn thu do dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc VietcomBank, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng nói trên khoảng 30.000 tỷ đồng. Với việc giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu bằng VND; giảm 1,5% lãi suất cho vay trung, dài hạn từ nay tới tháng 4-2020, ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 300 - 450 tỷ đồng.
“Thời điểm này, lợi nhuận ngân hàng chỉ là mục tiêu thứ yếu. Ưu tiên hàng đầu của ngân hàng hiện nay là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, đồng hành và phát triển bền vững. Bởi khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng cũng bị ảnh hưởng. Nợ xấu vì thế có thể tăng lên, chi phí trích lập dự phòng tăng theo”, Phó Tổng Giám đốc VietcomBank Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.