(HNMO) - Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết như vậy tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng “Ngân hàng 2018: Hướng tới Phát triển bền vững” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8-5.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại tăng phí thẻ. Trong đó, gần đây nhất, theo thông báo của Agribank, từ ngày 12-5, ngân hàng này sẽ tăng phí rút tiền nội mạng từ mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng/giao dịch. Nếu tính thêm thuế VAT, chủ thẻ sẽ phải trả 1.650 đồng mỗi lần rút tiền. Cùng với phí rút tiền nội mạng, Agribank tăng phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ATM và phí chuyển khoản liên ngân hàng tại ứng dụng E-Mobile Banking lên mức 0,05% số tiền giao dịch, tối thiểu 8.000 đồng/giao dịch.
Chính vì vậy, vấn đề thu phí thẻ của ngân hàng là vấn đề được quan tâm tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng. Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, các loại phí thẻ hiện nay của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với quy định theo thông lệ quốc tế.
Với các thẻ ATM, Ngân hàng Nhà nước quy định có 2 loại phí là phí dịch vụ và phí nội mạng. Các mức phí thẻ được Ngân hàng Nhà nước quy định theo mức trần. Chẳng hạn, phí rút tiền nội mạng là 0-3.000 đồng/giao dịch. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết mức phí rút tiền nội mạng được các ngân hàng áp dụng chỉ 1.000 đồng/giao dịch.
Trong khi đó, tính cả mọi chi phí cho một giao dịch, trong đó có cả phí bảo trì, duy trì một ATM thì ngân hàng ước tính là 7.000-10.000 đồng/giao dịch.
Cũng theo ông Đào Minh Tuấn, các ngân hàng thống kê như vậy chỉ đưa con số muốn nói mức phí thu hiện nay của ngân hàng còn thấp. 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền thay vì thanh toán các hàng hoá dịch vụ. Vì vậy, các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh.
Hệ thống thẻ phát hành hiện nay chủ yếu là thẻ ghi nợ nội địa. Mục tiêu là khuyến khích khách hàng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán mua bán hàng hóa dịch vụ.
“Lẽ ra xu hướng dùng tiền mặt giảm đi thì mức phí rút tiền phải giảm đi. Tuy nhiên, hiện nay việc mua bán hàng hóa, dịch vụ vẫn chủ yếu bằng tiền mặt nên người dân rút tiền mặt nhiều”, ông Tuấn nói.
Thống kê của ngân hàng cho thấy, giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa trong vòng 5 năm gần đây đã tăng đáng kể, từ mức 0,7% năm 2013 đến nay lên con số gần 3%. Hiện nay, gần 3% là sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ, còn 97% là rút tiền mặt. Nghĩa là trước đây chỉ có 0,7% giá trị giao dịch thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa thì đến nay tỉ lệ này đã tăng lên 3%.
Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam nhận định, nếu tỷ lệ này nếu tăng lên 20% thì phí giao dịch rút tiền mặt sẽ giảm xuống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.