(HNM) - Mặc dù mức tăng không lớn, nhưng đủ để hút khách hàng so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản...
Dịp cuối năm, các ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi để thu hút vốn. Ảnh: Khánh Huy |
Biến động không lớn
Một trong những ngân hàng thương mại nhà nước đầu tiên vào cuộc đua tăng lãi suất đầu vào là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo biểu lãi suất mới nhất mà BIDV công bố, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng mức 4,8%/năm, tăng 0,5% so với trước, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,8%/năm lên 5,2%/năm (tương đương mức lãi suất cũ đối với kỳ hạn 6 tháng). Với kỳ hạn 9 tháng trở lên, lãi suất đều được áp dụng ở mức 6,9%/năm. Cùng với BIDV, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tăng lãi suất huy động VND thêm 0,3-0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Mức lãi suất tại VietinBank hiện tương đương với BIDV, trừ các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 đến 9 tháng được tăng lên 5,8-6%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng tăng lên 6,8%/năm.
Ngay sau động thái điều chỉnh tăng lãi suất ở các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng cổ phần cũng thay đổi biểu lãi suất huy động. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 5,3%/năm, 6 tháng lên 6,2%/năm. Riêng kỳ hạn 9 tháng tăng 0,4%/năm lên 6,4%/năm, 12 tháng tăng 0,1%/năm lên 6,9%/năm.
Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng, vẫn có những ngân hàng đi ngược chiều, đó là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ngay từ đầu tháng 11, ngân hàng này đã giảm lãi suất 0,1%/năm ở tất cả kỳ hạn. Với mức lãi suất hiện nay, Vietcombank là một trong những ngân hàng áp dụng lãi suất thấp trong hệ thống.
Việc ngân hàng tăng hay giảm lãi suất huy động được lý giải là do nhu cầu vốn của các ngân hàng khác nhau. Với những ngân hàng đang có nhu cầu vốn cao, việc tăng lãi suất để "gọi" dòng vốn là hoàn toàn dễ hiểu. Những ngân hàng này cũng có thể còn “room” tăng trưởng tín dụng, nên muốn có thêm nguồn vốn để tiếp tục thúc đẩy tín dụng. Ngược lại, những ngân hàng giảm lãi suất khi nguồn vốn dư thừa hoặc tỷ lệ cho vay không còn nhiều, tức là ngân hàng đã đủ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, động thái tăng hay giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian qua không bất thường, bởi mức tăng, giảm chỉ nằm trong biên độ nhỏ, không ảnh hưởng tới chính ngân hàng cũng như hệ thống.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 4,5-5,4%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 5,4-6,5%/năm; trên 12 tháng: 6,4-7,2%/năm.
Lãi suất cho vay có chịu áp lực?
Với mức lãi suất huy động được điều chỉnh tại các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại về khả năng tăng lãi suất cho vay, gây áp lực cho doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất cho vay không tăng cao, nhưng dư địa giảm lãi suất cho vay từ ngân hàng không còn nhiều, cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp hầu như không có. Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên là 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm.
Rõ ràng, so với trước mặt bằng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi, mức lãi suất cho vay bình quân duy trì trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, những công bố về nỗ lực giảm lãi suất cho vay với các ngân hàng không dễ dàng, bởi với chi phí đầu vào tăng (lãi suất huy động tăng), ngân hàng khó có thể điều chỉnh giảm lãi suất đầu ra.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), từ nay đến hết năm 2017, với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá không chịu nhiều áp lực và lạm phát trong tầm kiểm soát của Chính phủ..., sẽ tạo điều kiện hỗ trợ quá trình điều hành lãi suất. Ngoại trừ yếu tố đến từ áp lực thời vụ mang tính chất ngắn hạn, mặt bằng lãi suất huy động được dự báo sẽ không chịu áp lực lớn. Ngoài ra, thanh khoản trên hệ thống dồi dào và được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trạng thái này khi nguồn ngoại tệ từ các hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ trở thành yếu tố hỗ trợ tích cực đặc biệt với thông tin mới xung quanh các thương vụ thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong năm 2017. Tuy nhiên, để lãi suất cho vay giảm thêm sẽ cần thêm các nguồn lực, trong đó có việc đến từ hiệu quả và tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng để khai thông dòng vốn.
Dự báo về tình hình lãi suất trong những tháng đầu năm 2018, VCBS cho rằng, nhìn dài hơi trong cả năm, áp lực lên lãi suất trong nửa đầu năm cũng sẽ chỉ mang tính chất ngắn hạn. Trong khi đó, với định hướng chính sách xuyên suốt của Chính phủ về ổn định lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng, mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ không chịu áp lực tăng thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.