Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 38.100 tỷ đồng

Hà Linh| 28/02/2023 11:48

(HNMO) - Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB (Ngân hàng TMCP Hàng Hải), tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 38.100 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Động thái hút ròng và đẩy lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, theo các chuyên gia, là dụng ý của Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo sự hấp dẫn của VND với USD trước dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất vào tháng 3 tới.

Lãi suất ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng tăng mạnh trong thời gian qua, song lãi suất trên thị trường 1 (thị trường dân cư) lại có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ở chiều huy động, tại hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất niêm yết cao nhất mà các ngân hàng dành cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 9,5%/năm. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng áp dụng thấp nhất ở mức 7,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và trên 8%/năm đối với hình thức gửi tiền online.

Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2022, lãi suất kỳ hạn 12 tháng đã giảm mạnh. Một số ngân hàng từng áp dụng lãi suất từ 10,5%/năm đã điều chỉnh giảm trên dưới 1%/năm, đưa lãi suất về ngang với mặt bằng chung của thị trường, quanh mốc 9,5%/năm, trong khi nhiều ngân hàng khác kéo lãi suất xuống dưới 9%/năm. Nhờ đó, lãi suất cho vay cũng hạ nhiệt, tuy nhiên chưa diễn ra với toàn bộ các ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, lạm phát của Việt Nam luôn ở mức dưới 4%. Thông thường, các ngân hàng sẽ tính thêm 2% là biên độ lợi nhuận cho khách hàng gửi, nghĩa là lãi suất huy động ở mức 6%/năm, và biên độ lợi nhuận cho ngân hàng là 3%, lãi suất cho vay 9%/năm sẽ là phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 38.100 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.