(HNM) - Qua kiểm tra, Sở Xây dựng Hà Nội đã phát hiện không ít trường hợp sử dụng nhà ở xã hội không đúng mục đích, bán, cho thuê lại, không sử dụng, thậm chí phá thông hai căn hộ để tăng diện tích sử dụng.
Cách đây nhiều năm, Công an thành phố Hà Nội cũng đã điều tra, xử lý một số trường hợp mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, rao bán nhà ở xã hội trên mạng. Nhiều trường hợp bị cơ quan chức năng thu hồi lại nhà do vi phạm quy định về mua bán, sử dụng nhà ở xã hội.
Nhà ở xã hội có thể coi là sản phẩm đặc biệt, được hưởng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, như tiền sử dụng đất, thuế giá trị gia tăng; ưu đãi vay vốn ngân hàng... Đặc biệt, lợi nhuận của nhà đầu tư được khống chế nhằm giảm giá thành sản phẩm. Vì vậy, đối tượng sử dụng nhà ở xã hội được quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, do giá bán thấp, nguồn cung hạn chế, cộng với việc kiểm tra, giám sát sử dụng nhà ở xã hội thiếu chặt chẽ nên tình trạng sử dụng không đúng mục đích, sai đối tượng vẫn xảy ra. Mặt khác, với nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nên việc sử dụng nhà ở xã hội không đúng mục đích, mua bán không đúng đối tượng có thể ảnh hưởng đến cơ hội sở hữu nhà ở của nhiều người khác. Do đó, việc sử dụng nhà ở xã hội phải được quản lý chặt chẽ, sai phạm trong sử dụng nhà ở xã hội cần phải bị xử lý nghiêm.
Để ngăn chặn việc trục lợi chính sách nhà ở xã hội, các khâu trong quá trình xét duyệt, mua bán, sử dụng đều phải được quản lý chặt chẽ. Đối tượng đăng ký mua phải đúng quy định là người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp, công chức, viên chức... Sau khi chủ đầu tư xét duyệt, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nơi có dự án nhà ở xã hội phải hậu kiểm danh sách, giấy tờ xác minh đối tượng được giải quyết mua, thuê nhà ở xã hội. Khi phát hiện trường hợp không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, các địa phương, chủ đầu tư phải thông báo ngay tới Sở Xây dựng Hà Nội để loại khỏi danh sách hoặc thu hồi nhà ở.
Sau khi dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng của đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng. Ở khâu này, vai trò của tổ dân phố và chính người dân sinh sống tại khu nhà ở xã hội là rất quan trọng. Cùng với đó, lực lượng công an xã, phường, thị trấn nơi có dự án có thể vào cuộc, thông qua quản lý nhân khẩu trên địa bàn, xác định trường hợp không sử dụng, bán, cho thuê lại, cho ở nhờ... Ngoài ra, qua rà soát trên mạng xã hội, website bất động sản, cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra, xử lý trường hợp rao bán nhà ở xã hội. Song song đó, việc xử lý vi phạm phải nghiêm minh, bảo đảm đủ sức răn đe.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 23 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, 43 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Trong tương lai, thành phố Hà Nội tiếp tục có các chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp với quy mô lớn. Điều đó có nghĩa, số lượng nhà ở xã hội sẽ ngày càng tăng, đối tượng thụ hưởng ngày càng lớn, vì thế chính sách quản lý sử dụng nhà ở xã hội đòi hỏi càng phải chặt chẽ, bảo đảm đúng đối tượng. Ngăn chặn việc trục lợi từ chính sách hỗ trợ cũng là để bảo đảm công bằng trong tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.