Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự 27/03/2024 - 07:36

Sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam cùng với những thành tựu đạt được có ý nghĩa lịch sử; song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Do đó, việc nhận diện chính xác và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả là đòi hỏi cấp bách trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh.

Đạo đức là cái gốc của Đảng và của cán bộ, đảng viên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức là gốc của người cách mạng”; “Không có đạo đức cách mạng thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đặc biệt, nếu như các kỳ đại hội trước xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức thì đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (1-2016), Đảng đã đưa “đạo đức” cùng với chính trị, tư tưởng và tổ chức cấu thành mục tiêu xây dựng Đảng. Do đó, quan điểm “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” là mục tiêu của công tác xây dựng Đảng. Bởi vì, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng và sức mạnh nội sinh của cách mạng, bảo đảm cho toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng là vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1-2021) xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh cần: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Như vậy, trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, tạo nên uy tín và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức trở thành vấn đề cấp bách; vì đạo đức cách mạng là “cái gốc” của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi tổ chức Đảng, được Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt.

Suy thoái về đạo đức, lối sống - Một thực trạng đáng báo động

Khi bước vào thời kỳ đổi mới, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986), Đảng ta đã cảnh báo: “Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: Lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của Nhà nước với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền”. Trước diễn biến phức tạp từ chỗ chỉ có ở “một bộ phận” đến “một bộ phận không nhỏ”, trong đó có cả cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) thẳng thắn chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn...”. Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp”.

Biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được Đảng ta chỉ rõ gồm: Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm. Quan liêu, xa rời quần chúng; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi...

Thực tiễn cho thấy, suy thoái về đạo đức, lối sống làm nảy sinh lãng phí, tham nhũng, sách nhiễu dân, trước kia diễn ra ở một số cán bộ, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thì nay xảy ra ở tất cả các ngành, lĩnh vực: Y tế, giáo dục, văn hóa, thực hiện chính sách xã hội, tổ chức cán bộ, hoạch định chính sách cụ thể, thanh tra, quân đội, công an… Mức độ này ngày càng tăng, nếu trước kia chủ yếu là “ăn cắp vặt”, “bớt xén” mang tính chất cá nhân đơn lẻ thì nay chặt chẽ, móc nối chằng chịt trên - dưới, trong - ngoài để trục lợi, như: Thông đồng, chia chác giữa các bên trong đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, mua sắm vật tư, đấu thầu và chỉ định thầu, phân phối dự án, hoàn thuế giá trị gia tăng, trong cấp phát vốn, trong điều tra truy tố xét xử…

Ngày 9-12-2021, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - nêu rõ: Từ năm 2016 đến năm 2020, có 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Cũng theo báo cáo tại hội nghị, từ năm 2016 đến năm 2020, có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật. Đó là các đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; suy thoái về tư tưởng chính trị; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Gần đây nhất, ngày 24-1-2024, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Nhân Chiến - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - về tội “Nhận hối lộ”. Đây là ví dụ điển hình của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Bởi trước đó, tháng 7-2020, ông Nguyễn Nhân Chiến từng bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ vì chỉ định con trai là ông Nguyễn Nhân Chinh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Nguyễn Nhân Chinh trở thành lãnh đạo cao nhất thành phố Bắc Ninh không qua bầu cử mà bằng con đường chỉ định. Do đó, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh xem xét lại việc bố trí ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh theo hướng “phải bám sát các quy định; phân tích đánh giá kỹ lưỡng, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong bố trí cán bộ". Sau 15 ngày giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, đầu tháng 8-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã bàn bạc, thống nhất phương án điều chuyển Bí thư Thành ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh sang làm Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc ông Nguyễn Nhân Chiến vừa bị khởi tố, bắt tạm giam là hậu quả không tránh khỏi khi suy thoái về đạo đức, lối sống đã đến mức rất trầm trọng.

Nguyên nhân dẫn tới suy thoái về đạo đức, lối sống có rất nhiều. Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nguyên nhân cơ bản và sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những người “có ít nhiều quyền hành trong bộ máy chính trị”. Những người này, ban đầu có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh. Tuy nhiên, khi trong tay có quyền hành thì đã không thắng được “giặc ở trong lòng”, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Chính sự suy thoái này là cái gốc của tiêu cực, từ đó nảy sinh lòng tham, dẫn đến tham ô, tham nhũng, lãng phí.

Cần ngăn chặn kịp thời

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng, mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và trước thực trạng suy thoái về đạo đức, lối sống diễn biến phức tạp, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Một là, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đồng thời, phải tự thấy day dứt, hổ thẹn với những nhận thức lệch lạc và việc làm chưa đúng của mình. Hai là, thực hiện tốt phương châm “xây và chống”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực; cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nhân cách, phẩm giá, duy trì lối sống trong sạch, lành mạnh, văn minh, nâng cao “sức đề kháng” trước những cám dỗ bởi vật chất, tiền bạc, danh vọng, tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, thực dụng, tham nhũng. Ba là, coi trọng nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, làm cho việc thực hành nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, nếp văn hóa; đề cao ý thức, trách nhiệm, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Bốn là, thực tế trong thời gian qua cho thấy, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống có chiều hướng phức tạp là một phần do hệ thống các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, thực hiện thiếu nghiêm túc, công tác kiểm tra, giám sát thiếu thường xuyên. Vì vậy, cần cụ thể hóa các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và xây dựng các quy chế, quy định làm căn cứ, cơ sở cho việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và làm căn cứ để đánh giá đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Suy thoái về đạo đức, lối sống là những biểu hiện cực kỳ nguy hiểm trong mỗi cán bộ, đảng viên. Nhận diện chính xác, đấu tranh kịp thời là yêu cầu cấp bách đặt ra, bởi không ngăn chặn kịp thời suy thoái về đạo đức, lối sống sẽ đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; qua đó, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ thực sự xứng đáng là những công bộc tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.