(HNM) - Thời gian gần đây, những vụ án mạng nghiêm trọng, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, nhiều vụ việc, nạn nhân và thủ phạm lại chính là người thân trong gia đình khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đây là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức. Để ngăn chặn, cần phải bắt đầu từ giáo dục ngay trong mỗi gia đình.
- Tại các phiên thảo luận ở Quốc hội những ngày qua, đại biểu đã phát biểu nhiều về các vấn đề xã hội, trong đó có sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa, dẫn đến những vụ việc gây bức xúc dư luận. Theo đại biểu, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Những năm gần đây, nhất là từ đầu năm 2019 đến nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các báo cáo của Chính phủ cho thấy, đã xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận, thể hiện sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa. Nổi lên như tình trạng hàng xóm, người thân trong gia đình mâu thuẫn, tranh chấp tài sản, đất đai dẫn đến các vụ án mạng dã man; một số người có hành vi dâm ô, quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em; người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ, nhân viên y tế hay một số vụ lái xe ô tô uống rượu bia, sử dụng ma túy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng... Tình hình đó đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc xem xét, đánh giá đúng mức để sớm có những giải pháp khắc phục hiệu quả.
Theo tôi, qua những vụ việc có thể thấy, giáo dục đạo đức trong các gia đình đang có vấn đề. Phải chăng cha mẹ đã thiếu bảo ban, dạy dỗ các con từ tấm bé về tình cảm, trách nhiệm đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em trong một nhà? Cũng có thể do cha mẹ phần nào chưa gương mẫu, chưa công bằng đối với các con để chúng ganh tỵ nhau, lâu dần trở nên căm ghét, đối xử với nhau như kẻ thù.
Tôi biết, nhiều gia đình có cha mẹ mẫu mực, tuy không giàu có, nhưng họ luôn chú ý nêu gương cho các con về lối sống thanh bạch, giản dị, “đói cho sạch, rách cho thơm”; luôn dặn dò các con ngay từ tấm bé phải yêu thương nhau, giúp đỡ nhau... Tôi cho rằng, sự gương mẫu, nêu gương của cha mẹ, môi trường giáo dục trong gia đình ngay từ nhỏ là điều đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành nên tính cách của một con người.
- Thời gian gần đây xảy ra không ít vụ xâm hại trẻ em, gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác và tinh thần cho các em nhỏ. Song có ý kiến cho rằng, những vụ việc được phát hiện đưa lên công luận mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Đại biểu bình luận gì về ý kiến này?
- Đúng như vậy, thời gian gần đây đã xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội ở nhiều địa phương. Được tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tôi và nhiều thành viên trong đoàn có điều kiện nghiên cứu các văn bản, báo cáo, tài liệu của các cơ quan chức năng thì thấy khá rõ thực trạng tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, trong 4 năm (2015-2018) và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Thống kê của 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xảy ra 2.477 vụ với 2.634 trẻ em bị xâm hại. Đây là vấn đề rất cấp bách cần phải sớm có các giải pháp trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nhằm phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
- Thực tế cho thấy, thủ phạm một số vụ xâm hại trẻ em lại chính là những người thân, thầy giáo, người có trình độ học vấn. Có trường hợp vô cùng nhẫn tâm, phạm tội nhiều lần và không thành khẩn khi bị phát giác. Phải chăng đây là những minh chứng rõ nhất của sự xuống cấp về đạo đức, thưa đại biểu?
- Thực tế điều tra, xác minh trong nhiều vụ việc cho thấy, thủ phạm dâm ô, xâm hại trẻ em có rất nhiều loại, thành phần xã hội khác nhau. Điều đáng nói là không ít trường hợp đối tượng dâm ô, xâm hại trẻ em lại chính là người thân. Đây thực sự là biểu hiện rõ nét của sự tha hóa về nhân cách, xuống cấp về đạo đức mà nhiều người chúng ta không thể tưởng tượng được.
- Trong khi người dân phấn khởi vì kinh tế phát triển, nhưng đạo đức và lối sống lại đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng báo động. Để ngăn chặn tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa, theo đại biểu, đâu là giải pháp hiệu quả?
- Tôi cho rằng điều đầu tiên và quan trọng nhất để góp phần ngăn chặn tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội ta hiện nay là Trung ương, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề giáo dục trong gia đình và nhà trường. Phải đưa ra các yêu cầu, tiêu chí để thúc đẩy giáo dục trong gia đình, trường học; coi trọng giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương.
Tiếp đến, chúng ta phải thực sự coi trọng việc nêu gương của ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo, thủ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức. Việc giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ con, cháu, cán bộ dưới quyền sẽ không thể thành công nếu các bậc làm cha mẹ, ông bà và các thủ trưởng không nêu gương.
Thứ ba, phải thực sự nghiêm minh trong tổ chức thực thi pháp luật. Không được để xảy ra tình trạng gian lận thi cử, chạy điểm, chạy chức, chạy quyền; phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; có như vậy mới góp phần ngăn chặn tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa hiện nay.
Ngay trong kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV này, với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, trên cơ sở lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân về những vấn đề dư luận bức xúc, tôi sẽ kịp thời phản ánh tình hình với Quốc hội, đồng thời gửi chất vấn, kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành hữu quan nhằm xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn.
- Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.