Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Syria

Trung Hiếu| 06/11/2012 06:34

(HNM)- Chuyến công du con thoi của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt đầu từ ngày 4-11, mang theo những đề xuất mới nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria đã kéo dài suốt 19 tháng qua.


Trong cuộc gặp ba bên giữa ông Lavrov với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil Al-Arabi và Đặc phái viên Liên hợp quốc Al Lakhdar Brahimi vào ngày 4-11 tại Cairo (Ai Cập), nhiều vấn đề đã được các bên "mổ xẻ". Ngoại trưởng S.Lavrov cho rằng, không nên áp dụng giải pháp quân sự với cuộc khủng hoảng mà chỉ có biện pháp mang tính chính trị tổng thể với sự đồng thuận của tất cả các bên mới có thể tránh nguy cơ lan rộng cuộc khủng hoảng sang các nước láng giềng. Ông S.Lavrov cũng khẳng định, một số nước phương Tây và khu vực đang tìm kiếm một nghị quyết của HĐBA nhằm dọn đường cho việc lật đổ chế độ hiện hành ở Syria sẽ càng gây thêm đổ máu.


Người dân Syria đang khao khát một nền hòa bình thật sự với mảnh đất này.

Cùng với chuyến đi của Ngoại trưởng Lavrov, dường như Nga muốn khẳng định rõ quan điểm khi ngày 4-11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố, Mátxcơva sẵn sàng xem xét việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại Syria... Những quyết tâm của Mátxcơva (1 trong 5 nước thường trực HĐBA LHQ) đã làm dấy lên hy vọng, dù mong manh, cho cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria. Một cuộc ngừng bắn trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để có thể mở ra các đàm phán tiếp theo về một chính quyền lâm thời cho giai đoạn chuyển giao chính trị ở Syria. Theo đề xuất của Mátxcơva, do phe đối lập Syria mâu thuẫn và không chịu nhượng bộ nhau nên cần có vai trò trung gian quốc tế nhằm đạt được hòa giải giữa họ với chính quyền nước này. Bước đầu có thể sẽ làm "thí điểm" ở một số địa phương hoặc tỉnh, thành, sau đó nhân rộng ra toàn bộ lãnh thổ.

Tuy nhiên, không dễ gì nỗ lực của Nga có thể xoay chuyển nhanh chóng được tình hình. Hiện nay, một số cường quốc phương Tây vẫn đang khuyến khích các bên đối lập tại Syria tiếp tục đấu tranh vũ trang. Tại hội nghị của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) đối lập, kéo dài 4 ngày (từ 4-11) tại Doha (Qatar), Mỹ đã hậu thuẫn mạnh cho một "chính phủ lưu vong Syria". Washington hối thúc định hình một nội các đối lập nhằm lật đổ Tổng thống đương nhiệm Syria Bashar Al-Assad. Trong khi đó, ngày 4-11, phái đoàn gồm 20 quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) thuộc Bộ Chỉ huy Châu Âu (EUCOM) đã thị sát căn cứ không quân Diyarbakir tại Thổ Nhĩ Kỳ để bảo đảm tính khả dụng của căn cứ trong trường hợp phương án quân sự chống Syria được thông qua. Trước đó, ngày 2-11, theo nhiều nguồn tin, Ankara chủ động muốn NATO bố trí tên lửa Patriot trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp bùng phát căng thẳng hơn nữa trên biên giới với Syria... Theo hãng tin AP (Mỹ), Damascus cũng vừa triển khai xe tăng đến Khu phi quân sự (DMZ) giữa nước này và Israel tại cao nguyên Golan. Dù chưa xác định rõ mục đích nhưng sự xuất hiện các chiến xa của Syria tại Golan đã làm dấy lên lo ngại về một bóng ma chiến tranh mới tại vùng đất khô cằn này.

Trong khi đó, bạo lực tại Syria vẫn leo thang nghiêm trọng. Ngày 4-11 lực lượng chống đối đã kiểm soát mỏ dầu quan trọng Al-Ward ở tỉnh Deir Ezzor. Cũng tại tỉnh miền đông này, quân chống đối đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của quân đội. Cùng ngày, tại thủ đô Damascus, những kẻ khủng bố đã gây một vụ nổ lớn gần khách sạn Dama Rose, làm ít nhất 11 người bị thương. Giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng chống đối vẫn diễn ra quyết liệt trên đường phố ở Damascus. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, chỉ trong ngày 4-11 đã có ít nhất 134 người thiệt mạng tại Syria, gần một nửa trong số đó là dân thường...

Như vậy, với những gì đang diễn ra, hy vọng về sự đồng thuận từ phe đối lập để có một cuộc ngừng bắn toàn diện cho Syria vào lúc này thật sự vẫn quá mong manh, nhất là khi họ tiếp tục được sự hỗ trợ từ bên ngoài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nga nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho Syria

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.