Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga công bố học thuyết chính sách đối ngoại mới: Thúc đẩy thế giới đa cực

Hoàng Linh| 03/04/2023 06:53

(HNM) - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê chuẩn phiên bản mới của Khái niệm Chính sách đối ngoại Nga (Russian Foreign Policy Concept). Học thuyết mới đã phác họa hình ảnh một nước Nga trong thế giới đa cực và những ưu tiên trong chiến lược thúc đẩy đối ngoại của quốc gia này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo phê duyệt học thuyết mới về chính sách đối ngoại trong một cuộc họp với các thành viên thường trực của Hội đồng An ninh Liên bang Nga.

Tài liệu khái niệm chính sách đối ngoại Nga phiên bản mới dài 42 trang, có nhiều khác biệt so với khái niệm chính sách đối ngoại Nga năm 2016 - là giai đoạn xứ Bạch dương tập trung vào việc chống khủng bố, thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, việc tiến hành sửa đổi học thuyết chính sách đối ngoại lúc này là do "những thay đổi mạnh mẽ" trong bối cảnh quốc tế hiện đại. Theo truyền thông bản địa, học thuyết mới xoay quanh 5 vấn đề chính.

Thứ nhất, học thuyết đánh giá “sự hung hăng chống Nga” của phương Tây là rủi ro lớn đối với an ninh của Nga cũng như đối với hòa bình quốc tế và sự phát triển của một tương lai “công bằng và cân bằng” cho nhân loại. Trong bối cảnh đó, Mátxcơva nhấn mạnh, chỉ có nỗ lực chung của toàn thể cộng đồng quốc tế trên cơ sở cân bằng quyền lực và lợi ích mới có thể đưa ra giải pháp cho “vô số vấn đề của thời đại chúng ta”.

Thứ hai, học thuyết mới duy trì quan điểm Nga không coi Mỹ và các đồng minh là đối thủ, nêu rõ: “Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây”. Vì vậy, Mátxcơva mong muốn các quốc gia phương Tây sẽ nhận ra chính sách thù địch, đối đầu và tham vọng bá quyền không có tương lai và sẽ nối lại “sự hợp tác thực chất” với Nga trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Thứ ba, học thuyết nêu rõ, Nga sẽ tìm cách xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên các bảo đảm an ninh đáng tin cậy và cơ hội bình đẳng cho tất cả các quốc gia, bất kể quy mô, vị trí địa lý hay sức mạnh quân sự. Mátxcơva khẳng định, nên bác bỏ quyền bá chủ trong các vấn đề quốc tế và nên tránh bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác.

Thứ tư, học thuyết kêu gọi “hợp tác rộng rãi” để vô hiệu hóa mọi nỗ lực tìm kiếm sự thống trị quân sự toàn cầu của các quốc gia hoặc khối quân sự; cho rằng tất cả các nước cần theo đuổi việc tránh chiến tranh toàn cầu và rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, bằng cách tăng cường sự ổn định chiến lược quốc tế, kiểm soát vũ khí và chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân thông qua các hiệp ước quốc tế.

Thứ năm, học thuyết khẳng định, Nga sẽ hợp tác sâu sắc hơn với “các trung tâm quyền lực toàn cầu có chủ quyền” đóng vai trò quan trọng như Trung Quốc và Ấn Độ. Cùng với đó, Mátxcơva sẽ phát triển hợp tác với các chủ thể lớn trong khu vực Hồi giáo; đoàn kết với châu Phi… Tài liệu khẳng định, Mátxcơva “sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng xây dựng mối quan hệ với Nga”.  

Chia sẻ về nội dung chính sách mới, Tổng thống Vladimir Putin kỳ vọng, những nội dung cập nhật sẽ tạo cơ sở cho các hành động thực tế của đất nước trong trung và dài hạn, đồng thời sẽ trở thành cơ sở học thuyết có chất lượng cho công việc tiếp theo trên lĩnh vực quan hệ quốc tế. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định, học thuyết phản ánh "những thay đổi mang tính cách mạng bên ngoài Nga, vốn được thúc đẩy rõ rệt sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”.

Nhìn chung, bộ chính sách đối ngoại mới đã phác họa rõ nét hình ảnh một nước Nga trong thế giới đa cực, trong đó chú trọng tới sự hợp tác và tính ổn định toàn cầu. Theo các nhà quan sát, những quan điểm này sẽ được thể hiện ngày càng rõ nét trong đường lối đối ngoại của đất nước Bạch dương từ 4 đến 6 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga công bố học thuyết chính sách đối ngoại mới: Thúc đẩy thế giới đa cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.