(HNMO) - Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, sáng 6-6, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngoài quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, không có một quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như ở Việt Nam.
Về việc rút bảo hiểm xã hội một lần do đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, số rút bảo hiểm bình quân một năm khoảng 500.000 trường hợp, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900.000, số rút gần bằng với số vào đóng. Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó bảo đảm an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó bảo đảm tính bền vững.
Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân là do thu nhập của người lao động ở mức thấp.
“Không có một quốc gia nào có cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần dễ dàng như Việt Nam”, Bộ trưởng nói. Tuyệt đại bộ phận rút bảo biểm xã hội một lần rơi vào công nhân lao động; trong đó công nhân lao động tại khu vực phía Nam chiếm tới 72%. Nguyên nhân thứ hai, vì quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả.
“Hiện nay, 1/3 số người rút bảo hiểm xã hội một lần đã quay trở lại, tiếp tục tham gia bảo hiểm. Thành phố Hà Nội có 10 người đi rút thì đã vận động tuyên truyền 6 người trở lại đóng”, Bộ trưởng thông tin.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về lĩnh vực này, cần bảo đảm các nguyên tắc đóng - hưởng, bình đẳng và chia sẻ. Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền lợi, tăng quyền lợi cho người đóng bảo hiểm xã hội. “Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất”, Bộ trưởng khẳng định.
Trả lời tranh luận của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ nguyên nhân là đời sống người lao động còn khó khăn. Bên cạnh đó, khi có thông tin thay đổi chính sách, người lao động đã ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần do chưa quan tâm đầy đủ thông tin tuyên truyền đến người lao động. Do đó, nếu làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người lao động hiểu rõ thì có lẽ mức độ sẽ không nhiều như thời gian qua.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần tính tổng thể các chính sách liên quan đến bảo hiểm, nếu tiếp tục đóng 20 năm thì người lao động không đợi được. Quan điểm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là giảm xuống 15 năm hoặc 10 năm theo thông lệ quốc tế, tương ứng là đóng ít hưởng ít; bên cạnh đó, nguyên tắc chia sẻ là đóng - hưởng và bình đẳng.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, việc dừng rút bảo hiểm một lần là vấn đề khó khăn nhưng có quy định về điều kiện, trường hợp nào được rút, mức độ rút như thế nào, trong thời gian tới Quốc hội sẽ xem xét quyết định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian qua, một bộ phận người dân người lao động gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Về đề nghị cần gói hỗ trợ được đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) nêu, Bộ trưởng cho biết, cơ quan tham mưu đang đánh giá kỹ thực trạng, dự báo chính xác tình hình từ nay đến Tết Nguyên đán và năm 2024 để có chính sách dài hạn và ngắn hạn. Bộ trưởng cũng chia sẻ, cá nhân Bộ trưởng không có thẩm quyền nói ngay quyết ngay chính sách lúc này, mà cần trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Trả lời chất vấn của đại biểu Tráng A Dương về đề nghị lập quỹ hỗ trợ người lao động và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc lập quỹ hỗ trợ người lao động cũng chỉ là một trong những giải pháp. Để giảm và không còn tình trạng rút bảo hiểm một lần, đòi hỏi nhiều giải pháp, nhất là tạo công ăn việc làm, thu nhập, giúp đời sống người lao động tốt hơn.
"Việc lập quỹ hỗ trợ người lao động cũng là một giải pháp, chúng tôi sẽ suy nghĩ thấu đáo vấn đề này", ông Đào Ngọc Dung nói và cho biết, khi lập quỹ cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về căn cứ, tính hiệu quả, báo cáo cấp có thẩm quyền, thậm chí Quốc hội phải cho phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.