Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút bảo hiểm xã hội một lần, làm gì để bớt “nóng”?

Phú Cường| 25/12/2022 11:35

(HNMO) - Việc rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều phía. Vậy, nguyên nhân vì sao và các bên cần làm gì để tình trạng này bớt “nóng”?

Ở lại hệ thống BHXH giúp người dân có lương hưu khi tuổi già.

Số người đề nghị hưởng chưa giảm

Những ngày cuối năm 2022, cùng với sự biến động của thị trường lao động diễn ra cục bộ tại một số nơi là câu chuyện rút BHXH một lần lại “nóng” ở một số địa phương, khu vực, nhất là ở những địa bàn có nhiều người lao động bị ảnh hưởng về việc làm. Theo phản ánh của số đông người lao động đề nghị hưởng BHXH một lần, họ tạm thời rời khỏi hệ thống do “cần một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống”, “rời thành phố về quê sinh sống, nên rút BHXH lấy vốn làm sinh kế”…

Cần quan tâm, số người rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng về số lượng, trẻ hóa về độ tuổi. Theo báo cáo giám sát chuyên đề về BHXH của Ủy ban xã hội của Quốc hội, nếu như năm 2016, số người hưởng BHXH một lần là hơn 500.000 người, thì đến năm 2021, con số này tăng lên tới 860.000 người. Bình quân số năm tham gia BHXH của người hưởng BHXH một lần bảy năm. Trong tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2016-2021 chỉ có khoảng 140.000 người trở lại hệ thống, bằng khoảng 3,5%. 

Năm 2022, theo số liệu ước tính từ các cơ quan chức năng, thì số người rút BHXH một lần chưa giảm với khoảng gần 900.000 người đề nghị hưởng. Dưới góc nhìn chính sách, nhiều ý kiến cho rằng, số người rút BHXH một lần tăng do các quy định của pháp luật hiện hành về nội dung này khá “thông thoáng”, nên người tham gia chính sách dễ dàng rời hệ thống khi họ có nhu cầu. 

Trên thực tế, dù vì bất cứ lý do nào, khi nhận BHXH một lần, người lao động là đối tượng chịu thiệt thòi đầu tiên và trực tiếp nhất. Bởi, số tiền họ nhận về ít hơn mức đóng, lại không được hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản hoặc không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, càng không được hưởng chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất... 

Vấn đề khác cần quan là độ tuổi của người hưởng BHXH một lần rất trẻ. Tại một cuộc họp thông tin về tình hình thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2022, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay: “Đa số người hưởng BHXH một lần có độ tuổi từ 20-40 tuổi, tập trung nhiều nhất từ 20-30 tuổi”. 

Các cơ quan chức năng huyện Thường Tín tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đến đối tượng lao động làm công việc tự do, tạo điều kiện để người dân có điểm tựa an sinh.

Mong muốn có nguồn vốn vay ưu đãi 

Đặt trong mối tương quan số người hưởng BHXH một lần tăng, độ tuổi còn trẻ và có ít người trở lại hệ thống, thì họ phải tiếp cận với lưới an sinh ra sao và ngược lại, các cơ quan chức năng phải làm thế nào nào để lưới an sinh ngày càng rộng mở?

Để trả lời cho câu hỏi nêu trên, đại diện các cơ quan chức năng đưa ra nhiều phương án, phổ biến là đề xuất bổ sung quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa đề nghị hưởng một lần, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, giúp người lao động thấy rõ quyền lợi mà ở lại hệ thống; quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn các điều kiện về hưởng BHXH một lần. Cùng với đó là những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để người lao động tham gia BHXH lâu dài… 

Về phía người lao động, không ít người lao động gặp khó khăn buộc phải rút BHXH một lần để làm sinh kế không đạt kết quả như mong muốn. Chị Nguyễn Thị Hà Anh, trú tại thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) cho biết, với số năm đóng chưa lâu, mức lương làm căn cứ đóng BHXH của lao động trẻ chưa cao, nên số tiền nhận về từ việc rút BHXH một lần không nhiều, phổ biến dưới 100 triệu đồng. Khoản này chưa đủ để đầu tư xây dựng nhà ở, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc tạo việc làm mới, chưa kể không phải ai đầu tư cũng thành công. “Cá nhân tôi từng dùng hơn 70 triệu đồng từ việc rút BHXH một lần để mở cửa hàng bán đồ ăn vào năm 2019. Do làm ăn không có lãi, cửa hàng ăn phải đóng cửa sau 6 tháng kinh doanh, số tiền đầu tư cũng không còn. Nếu được lựa chọn lại, tôi sẽ không rút BHXH một lần”. 

Cùng hoàn cảnh, anh Trần Văn Hiển, trú tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho những lao động có nhu cầu rút BHXH một lần do gặp khó khăn được tiếp cận với nguồn vay ưu đãi ngang bằng hoặc nhiều hơn khoản tiền có được từ việc rút BHXH một lần. “Sau khi có vốn, nếu công việc thuận lợi, người lao động có thể tiếp tục tham gia BHXH theo diện bắt buộc hoặc tự nguyện để có khoản tiền lương hưu khi về già. Còn nếu không may công việc không thuận lợi, lúc đó người lao động rút BHXH một lần để trả khoản tiền vay cũng chưa muộn”.

Trên thực tế, việc làm thế nào để giảm tình trạng rút BHXH một lần đã được các bên cùng tìm hướng tháo gỡ, nhưng chưa được khắc phục và chưa vơi độ “nóng”. Mỗi góc tiếp cận đều có những lý lẽ riêng, giải pháp riêng. Song, vì mục tiêu chung nhất là mở rộng lưới an sinh, tạo điểm tựa vững chắc cho người dân, người lao động, hy vọng các bên sẽ có phương án khả thi để người lao động không lựa chọn tiêu trước “của để dành”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rút bảo hiểm xã hội một lần, làm gì để bớt “nóng”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.