(HNM) - Nơi nào Bí thư cấp ủy quan tâm, chỉ đạo sâu sát thì công tác cải cách hành chính chuyển biến rõ rệt. Những đơn vị còn yếu kém chủ yếu là do xảy ra tình trạng cấp ủy giao khoán cho chính quyền. Đây là nội dung được đề cập tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” vừa diễn ra.
Năm 2022, thành phố Hà Nội ghi nhận bước tiến không nhỏ về cải cách hành chính. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, công tác cải cách hành chính có bước đột phá với việc phân cấp, ủy quyền 700 thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện (chiếm gần 40%). Một số quận, huyện cũng thăng hạng về cải cách hành chính, tiêu biểu như quận Hoàn Kiếm từ vị trí thứ 6, thứ 7 những năm trước đã vươn lên xếp hạng 2. Kết quả này có được là do Ban Thường vụ cấp ủy xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy theo sát tình hình, thường xuyên giao ban, đánh giá kết quả cải cách hành chính. Bí thư cấp ủy còn trực tiếp xuống cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn...
Trong khi đó, một số quận, huyện còn yếu kém về cải cách hành chính do cấp ủy Đảng, Bí thư cấp ủy gần như giao khoán cho chính quyền. Có nơi, Bí thư cấp ủy giao cho Chủ tịch UBND; Chủ tịch UBND giao cho Phó Chủ tịch; Phó Chủ tịch lại giao cho Phòng Nội vụ, nên nội dung cải cách hành chính triển khai lưa thưa vài việc, thiếu tập trung, chưa chủ động, kết quả thấp. Như phản ánh của thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU, những nơi yếu kém như vậy, khi được hỏi về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thì Bí thư cấp ủy thường không nắm rõ, trả lời chung chung.
Trước tình hình đó, trong kết luận chỉ đạo triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, cải cách hành chính là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy, trực tiếp Bí thư cấp ủy phải vào cuộc.
Đây là chỉ đạo rất kịp thời, đúng và trúng; phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy cấp huyện, cấp xã trong thực hiện cải cách hành chính càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền về thủ tục hành chính từ cấp thành phố, cấp huyện xuống cấp dưới.
Để khắc phục hạn chế, căn bản phải xuất phát từ ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy Đảng và cá nhân mỗi đồng chí Bí thư cấp ủy; phải thay đổi nhận thức, tư duy để nhập cuộc. Đồng thời, chính quyền cùng cấp cần tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy. Cần quán triệt rõ: Cải cách hành chính không thể thiếu sự lãnh đạo của cấp ủy để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, giải pháp mấu chốt, quan trọng hàng đầu là thành phố phải tăng cường kiểm tra, giám sát về lĩnh vực này; gắn kết quả thực hiện cải cách hành chính với đánh giá, xếp loại đảng bộ cấp trên cơ sở và cán bộ chủ chốt, trước hết là Bí thư cấp ủy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.