(HNM) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12-7-2022 phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với các nhiệm vụ chủ yếu là: Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng…
Chương trình bao quát nhiều vấn đề của ngành lâm nghiệp, trong đó chú trọng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học các sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính…, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Những năm gần đây, Việt Nam đã xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nhiều dự án trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng, xây dựng vườn quốc gia, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của rừng…; đồng thời, tăng cường xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng… Do vậy, độ che phủ rừng đã tăng từ 33,2% (năm 2010) lên 42,1% (năm 2021) và ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù độ che phủ rừng tăng theo từng năm nhưng tỷ lệ này của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, trong khi đó diện tích rừng tự nhiên giảm vì nhiều lý do và có chất lượng không cao… Đặc biệt, tình trạng phá rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương, nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng không được phát hiện, xử lý kịp thời, kiên quyết, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng.
Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với những nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển rừng đặc dụng, rừng ven biển; khôi phục hệ thống rừng phòng hộ, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ, bảo tồn, phát triển rừng… chính là nền tảng để thúc đẩy các hoạt động bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để triển khai hiệu quả chương trình này, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT cần tích cực phối hợp với các địa phương, trong đó có Hà Nội rà soát, đánh giá, bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ việc trồng rừng cũng như nâng cao chất lượng rừng; đồng thời thúc đẩy các loại dịch vụ môi trường rừng, qua đó tăng nguồn tài chính cho việc bảo vệ, phát triển rừng.
Cùng với đó là xây dựng, triển khai các đề án, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái rừng; chú trọng gắn quản lý, khai thác, sử dụng rừng với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Các địa phương cần tạo cơ chế phát triển mô hình liên kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cũng như nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng quản lý rừng…
Mặt khác, các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông về vai trò của rừng với việc giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu… trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó tạo sự lan tỏa trong đời sống xã hội. Đồng thời, tăng cường phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng…
Triển khai hiệu quả Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ tạo nền tảng thúc đẩy phát triển rừng và hạn chế tác động tiêu cực của loại hình thời tiết cực đoan nguy hiểm gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.