(HNM) - Không chỉ khẳng định tại thị trường trong nước, nhiều nền tảng công nghệ do các doanh nghiệp công nghệ số trong nước đang vươn ra thế giới, được thị trường nước ngoài đón nhận.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là doanh nghiệp tiên phong sản xuất thiết bị 5G, đưa Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ hạ tầng 5G, sản xuất thiết bị 5G. Trong điều kiện thiết bị mạng 5G còn chưa phổ biến, thì việc tự chủ thiết bị, đã góp phần không nhỏ giúp Viettel triển khai mạng 5G nhanh chóng, tiết kiệm ngoại tệ. Viettel đi đầu trong nghiên cứu phát triển Hệ thống tính cước theo thời gian thực (vOCS) - phần mềm được ví như “trái tim của nhà mạng” vì không chỉ tính cước thu tiền mà còn ghi nhận lại hoạt động sử dụng dịch vụ viễn thông của khách hàng. Từ năm 2017 đến nay, ứng dụng này phục vụ 170 triệu khách hàng trên toàn cầu...
Với doanh nghiệp đứng đầu về công nghệ là Tập đoàn FPT, không chỉ là cung cấp giải pháp, ứng dụng, sản phẩm công nghệ cho nhiều lĩnh vực quan trọng của đất nước, FPT còn là đối tác lớn của nhiều tập đoàn trên thế giới. Trước hết, nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI hiện có gần 500.000 người dùng; đem lại doanh thu đạt 1,84 tỷ đồng, tăng 28,7% (tính đến hết quý I-2021). Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Trương Gia Bình, từ 3 năm trước, FPT đã đi vào lĩnh vực nóng nhất của chuyển đổi số là phát triển robot tự động hóa, như akaBot - Nền tảng giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình, nghiệp vụ.
Còn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đã nghiên cứu phát triển Nền tảng quản lý thiết bị ONE Telco hỗ trợ quản lý đa chủng loại thiết bị trên mạng viễn thông quy mô lớn. Được đưa vào khai thác từ năm 2017, ONE Telco đã, đang quản lý gần 8 triệu thiết bị, giúp VNPT giảm đáng kể chi phí vận hành, đồng thời tiết kiệm hàng triệu USD chi phí mua bản quyền từ nước ngoài. Hoặc với Nền tảng định danh và xác thực sinh trắc học - BioID, hiện có 5 khách hàng lớn trong nước sử dụng phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, ước tính đem lại doanh thu 5 tỷ đồng trong năm nay.
Như vậy, với những thông tin như kể trên có thể thấy các ứng dụng, nền tảng kể trên đã, đang tích cực phục vụ quá trình chuyển đổi số ở trong nước, đồng thời được chính nhà cung cấp định hướng phát triển ra nước ngoài để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.
Với Viettel, ngoài lợi thế kinh doanh tại 10 thị trường quốc tế, Viettel cũng đã đăng ký và được Hoa Kỳ cấp 4 bằng sáng chế quốc tế để đưa sản phẩm cạnh tranh trên toàn cầu. Chia sẻ về hướng phát triển sản phẩm vOCS, ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) cho biết, sau khi được cập nhật phiên bản mới, vOCS 4.0 bổ sung thêm các tính năng mới, giúp Viettel mở ra cơ hội kinh doanh trên toàn cầu.
Còn theo đại diện VNPT, nền tảng quản lý thiết bị ONE Telco đã được triển khai cho nhiều nhà mạng trong nước và quốc tế; trong đó có một số nhà mạng quốc tế tại Thái Lan, Indonesia, Myanmar phục vụ quản lý gần 10 triệu thiết bị. Ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT, VNPT kỳ vọng, BioID sẽ là nền tảng số 1 về định danh xác thực sinh trắc học tại Việt Nam, đồng thời sẽ mở rộng triển khai tại các thị trường truyền thống như: Lào, Campuchia, Myanmar… Riêng với Tập đoàn FPT, năm 2020, FPT vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, triển khai chuyển đổi số cho công ty kinh doanh ô tô hàng đầu tại Mỹ, trị giá hợp đồng 150 triệu USD. Thực tế, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số như kể trên của FPT đã giúp FPT năm 2020 tăng trưởng doanh thu 31% ở mảng công nghệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.