(HNMO) - Ngày 5/11, Quốc hội dành trọn thời gian thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nổi lên) và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Mở đầu kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau khi được trình tại kỳ họp trước của Quốc hội, bản dự thảo đã được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến xây dựng. Sau kỳ họp, dự thảo tiếp tục được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội… Tất cả các ý kiến này đã được tiếp thu để hoàn thiện bản dự thảo mới trình Quốc hội kỳ này.
Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ.
Theo ông Phan Trung Lý, tại kỳ họp này, trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã đánh giá cao bản Hiến pháp sửa đổi và cũng góp ý thêm nhiều vấn đề để hoàn thiện dự thảo. Những nội dung cơ bản được tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ cao là việc giữ nguyên tên nước, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý chỉnh lý về mặt từ ngữ, bố cục với một số nội dung về lời nói đầu, kiểm soát nhà nước, vấn đề dân tộc, MTTQVN và các tổ chức xã hội, chính sách đối ngoại, quyền con người, quyền công dân…
Đáng chú ý, về quy định liên quan đến các thành phần kinh tế, một số đại biểu băn khoăn với quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, lo ngại mâu thuẫn và tạo sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường nhiều thành phần. Tuy nhiên, theo Ủy ban, khái niệm, nội hàm của kinh tế Nhà nước rộng hơn nhiều so với doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, việc khẳng định vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước trong dự thảo không mâu thuẫn với việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, định hướng XHCN và việc đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Về dự thảo nghị quyết thi hành Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Quốc hội luật cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị thời điểm này nên là một ngày cụ thể, được quy định ngay trong Hiến pháp hoặc nghị quyết thi hành Hiến pháp, nhưng cũng có ý kiến đề nghị ngày này là ngày mà Chủ tịch nước công bố Hiến pháp. Theo Ủy ban, quy định ngày có hiệu lực là ngày do Chủ tịch nước công bố là hợp lý, phù hợp với các quy định hiện có và các quy ước quốc tế. Theo đó, nếu được thông qua, Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.
Về thời hạn sửa đổi các luật liên quan, một số đại biểu cho rằng, dự thảo quy định phải hoàn thành trước năm 2016 là quá dài, đề nghị xong trước năm 2015. Ủy ban đã tiếp thu và chỉnh lý theo hướng Chính phủ phải trình QH xem xét, thông qua các luật liên quan cần sửa đổi chậm nhất là tại kỳ họp thứ 10 năm 2015.
Đi vào thảo luận trực tiếp tại hội trường, các đại biểu tán thành cao với các nội dung đã được tiếp thu, giải trình, đánh giá cao chất lượng của bản dự thảo. Các đại biểu thống nhất cao với các quy định trong dự thảo về thể chế chính trị, vị trí vai trò lãnh đạo của đảng, việc giữ nguyên tên nước, việc quy định nền kinh tế nhiều thành phần, định hương XHCN trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; việc quy định về chính quyền địa phương... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp thêm ý kiến về một số nội dung của dự thảo.
Băn khoăn việc giao UBTV Quốc hội lãnh đạo hội đồng dân tộc và các ủy ban Quốc hội
Là một trong những người không tán thành việc giao thẩm quyền cho Ủy ban TVQH lãnh đạo công tác hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đại biểu Phùng Văn Hùng – Cao Bằng phân tích, chức năng của mỗi thiết chế phải dựa trên nguyên lý thành lập nó tạo nên. Cử tri ủy quyền Quốc hội thay mình quyết những vấn đề quan trọng của đất nước, ủy quyền bình đẳng ngang nhau cho từng đại biểu. Do đó, nếu hiến pháp giao UBTVQH lãnh đạo công tác hội đồng dân tộc và các ủy ban là làm hạn chế tính đại diện, chủ động, bình đẳng của Quốc hội. Ông đề nghị nên giữ nguyên quy định hiện hành.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Đình Thu – Gia Lai cho rằng, hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH là các cơ quan chức năng, không thể được quy định tính chất điều hành như cơ quan hành chính.
“Các cơ quan này cần đảm bảo tính độc lập trong hoạt động và có thiết chế đảm bảo quyền lực và giám sát quyền lực giữa các cơ quan của Quốc hội. Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội là các cơ quan Quốc hội thì nên do Quốc hội bầu”, đại biểu Thu nói.
Liên quan đến các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng – Bình Dương cho rằng, việc dự thảo Hiến pháp quy định Quốc hội họp 2 kỳ mỗi năm là cứng nhắc. Trong quá khứ, quy định này là phù hợp nhưng nay trong tình hình mới, phải sửa đổi.
“Theo tôi, nếu Quốc hội họp nhiều kỳ mỗi năm, mỗi kỳ họp 10 ngày thì tốt hơn, phù hợp hơn với tâm sinh lý đại biểu. Tại sao chúng ta không giao việc quy định về nội dung này cho Luật tổ chức Quốc hội quy định và lược bỏ quy định này trong hiến pháp?”, đại biểu Đáng đặt vấn đề.
Nên rõ trách nhiệm, thay vì hạn chế quyền thu hồi đất của Nhà nước
Đánh giá cao sự tiếp thu của Ban soạn thảo trong các nội dung quy định về đất đai, đại biểu Bùi Mạnh Hùng – Bình Phước nhất trí, việc thu hồi đất đai phải được thực hiện theo pháp luật, nhưng ông băn khoăn với cụm từ thu hồi theo quy hoạch.
Theo ông, quy định này vô hình chung đã đặt tính chất của quy hoạch ngang với pháp luật mà quy hoạch thì diễn ra ở mọi cấp, không tránh khỏi chồng chéo, thiếu khoa học. Thực tế, việc điều chỉnh nhiều lần quy hoạch là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai nên nếu lấy đây là cơ sở để thu hồi đất đai thì “không ổn”.
“Quy hoạch là phương hướng sử dụng đất cho hiệu quả, không nên áp đặt tính pháp lý cho công tác này. Quy hoạch nên để luật định thì đúng tầm hơn”, đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Hùng cũng băn khoăn với quy định về thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết theo luật định, bởi như thế nào là “thật cần thiết”, ai sẽ xem xét sự thật cần thiết này? Theo ông, dự thảo nên quy định giao Quốc hội, HĐND xem xét mức độ thật cần thiết của từng trường hợp thu hồi đất.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên – Hải Phòng nhất trí, cần quy định vấn đề thu hồi đất vào trong hiến pháp vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân. Đại biểu Nhiên khẳng định việc thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh là cần thiết nhưng vẫn còn băn khoăn về việc thu hồi thực hiện các dự án kinh tế xã hội. Theo ông, dự thảo phải quy định rõ các trường hợp thu hồi để làm cơ sở xây dựng Luật đất đai sửa đổi.
Dưới một góc nhìn khác, đại biểu Phan Văn Tường – Thái Nguyên cho rằng, quy định thu hồi đất đảm bảo công bằng, theo luật định là phù hợp. Đặc biệt, đại biểu Tường cho rằng, dự thảo hiến pháp không nên hạn chế quyền thu hồi đất của Nhà nước, mà thay vì hạn chế, nên tăng cường trách nhiệm của Nhà nước với việc thu hồi đất, với việc càng làm nhiều càng hiệu quả.
“Chúng ta không nên hiểu thu hồi đất là biện pháp hành chính mà là sự điều tiết lại cho hợp lý, công bằng, vì sự phát triển chung. Thu hồi đất nếu không xác định được trách nhiệm thì các giải pháp khác chỉ là hình thức, nếu có hạn chế thu hồi thì bức xúc cũng không giảm. Việc xác định rõ trách nhiệm trong thu hồi đất là quan trọng, chứ không nằm ở mục đích và phạm vi thu hồi”, đại biểu Tường nói.
Ngoài các nội dung trên, các đại biểu cũng cho ý kiến về các điều liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác; quy định về Tòa án nhân dân tối cao và Ban hội thẩm; quy định về Hội đồng bảo hiến; quyền lực nhà nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.