Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên là một động lực

Duy Biên| 24/01/2018 07:02

(HNM) - Cứ đến những ngày cuối năm câu chuyện thưởng Tết lại râm ran trên báo chí, trong dư luận, qua từng câu chuyện nơi góc phố hay trên bàn ăn của mỗi gia đình... Xét về mặt tinh thần, thưởng Tết, giống như một món quà mà người sử dụng lao động dành tặng cho người lao động sau một năm làm việc vất vả.


Về mặt vật chất, dù ít hay nhiều, khoản tiền đó luôn được người lao động chờ đợi nhất trong năm và đa số sử dụng nó để chi tiêu cho việc sắm Tết, tàu xe về quê sum họp hay đi du lịch cuối năm…

Ở một khía cạnh nào đó, việc thưởng Tết âm lịch không phải là quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Người sử dụng lao động được quyền chủ động, tự nguyện trả thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động và không bắt buộc khi doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Cũng vì thế, ở không ít đơn vị, doanh nghiệp, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, chuyện thưởng Tết cho nhân viên cũng là “gánh lo” của người sử dụng lao động. Thậm chí, khi mức thưởng Tết không được như người lao động kỳ vọng, tất yếu sẽ có những tiếng thở dài…

Năm 2017, đáng mừng là tăng trưởng kinh tế - xã hội nước ta vượt bậc nên mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2018 cũng tăng hơn so với những năm trước. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội, mức trả lương bình quân cho người lao động tăng từ 7% đến 9% so với năm 2016 và mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất cũng tăng khoảng 5,5% đến 8% so với những năm trước đó. Điều này ít nhiều hứa hẹn mang lại cho người lao động một cái Tết đủ đầy, phấn khởi hơn.

Tuy nhiên, mức thưởng Tết cao không thể tự nhiên mà có, nó phải bắt nguồn từ mức tăng trưởng cả năm của doanh nghiệp. So sánh với các nước trên thế giới, thưởng Tết hay thưởng cuối năm của các doanh nghiệp ở Việt Nam được đánh giá là rất phong phú… Phong phú vì tùy vào điều kiện tài chính của từng doanh nghiệp, người lao động sẽ được nhận bất kỳ một hình thức thưởng vật chất nào đó mà người sử dụng lao động quyết định dành cho nhân viên của mình dịp cuối năm. Đó có thể là tiền mặt, là những sản phẩm do công ty sản xuất ra hay mua về…

Thời gian gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp ở nước ta công khai chính sách thưởng Tết cho nhân viên ngay từ đầu năm, đó chính là một khoản phần trăm cố định được trích từ tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được trong năm. Cách làm công khai, minh bạch này sẽ trở thành động lực để người lao động phấn đấu khi lợi ích của doanh nghiệp cũng là lợi ích của cá nhân người lao động. Mặt khác, điều đó cũng góp phần hạn chế những hiệu ứng tiêu cực khi mức thưởng Tết chưa được như kỳ vọng của đa số người lao động như hiện nay.

Bên cạnh mặt tích cực, khoản thưởng gộp vào cuối năm sẽ tạo ra một dòng tiền chi rất lớn, gây sức ép lên ngân quỹ, khiến không ít doanh nghiệp dùng biện pháp tiêu cực như cứ đến khoảng tháng 10, tháng 11 lại tìm cách… cắt giảm biên chế, sa thải bớt nhân viên. Cùng với đó, các ngân hàng cũng chịu áp lực khi trong một thời gian ngắn phải chi một số tiền rất lớn. Nên chăng, thay vì chia thưởng cuối năm sẽ rải đều trong năm như chia thưởng vào các quý, kết hợp với các thưởng lễ, Tết trong các quý đó. Như vậy, vừa duy trì một khoản thu nhập tương đối cho người lao động chi tiêu vào dịp Tết, vừa giảm sức ép lên vai doanh nghiệp. Đặc biệt, khi thu nhập của người lao động được chi trả đều đặn hơn trong năm sẽ là một động lực để họ yên tâm, gắn bó với công việc và đơn vị sử dụng lao động. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên là một động lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.