Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên có sự hài hòa giữa cuộc sống và văn chương

Thanh Hà| 08/07/2014 06:28

(HNM) - Với những sự thay đổi đáng chú ý trong cách ra đề môn ngữ văn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, các thí sinh có nhiều dự cảm về đề thi môn này trong ngày thi ĐH sắp tới (đợt 2). Giảng viên Trần Hinh, Trưởng bộ môn nghệ thuật, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội, đã chia sẻ suy nghĩ về vấn đề này.


- Theo dõi vấn đề thi cử trong nhiều năm qua, thầy có thể nhận xét chung về đề thi ĐH môn ngữ văn, kể từ năm đầu tiên "ba chung" cho đến năm 2013?

- Sau 12 năm thực hiện thi "ba chung", tôi nhận thấy đề thi môn văn có một số nét chung ổn định như: Cấu trúc đề vẫn gồm 3 câu (2 điểm, 3 điểm và 5 điểm). Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong khuôn khổ các bài học thuộc chương trình giảng dạy lớp 11 và 12. Thống kê trong cả hai chương trình, tôi thấy có khoảng 40 đơn vị bài phải học. Như thế, kể cũng là "quá tải".

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại kỳ thi CĐ, ĐH năm 2014. Ảnh: Như Ý



Tuy nhiên, việc ra đề thi đã có sự thay đổi. Trước năm 2009, trong 3 câu hỏi của đề thi, câu 1 thường là về kiến thức đọc hiểu, chủ yếu đòi hỏi phải học thuộc lòng, như tóm tắt sự nghiệp sáng tác của nhà văn, phong cách của nhà văn, hoàn cảnh sáng tác… Câu 2 là một bài làm văn, thường yêu cầu phân tích, bình giảng một hay vài đoạn thơ nào đó. Câu 3 là một bài làm văn, thường liên quan đến các tác phẩm văn xuôi. Nhưng, bắt đầu từ năm 2009, với câu hỏi 2 điểm, người ta đã bắt đầu chú ý hơn đến việc kiểm tra kiến thức đọc hiểu, như ý nghĩa từ chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm văn học, hoặc ý nghĩa của lối ví von, so sánh trong tác phẩm văn học. Với câu hỏi 3 điểm, dạng câu làm văn đã được thay bằng câu nghị luận xã hội. Đây là sự thay đổi gây tranh cãi nhiều nhất bởi có người cho rằng nghị luận xã hội có phần hơi xa với tác phẩm văn chương; tuy thế, đa số đều đồng tình ủng hộ vì cho rằng đây là đề thi mở, có thể giúp kiểm tra kiến thức học văn trong nhà trường với việc ứng dụng nó trong cuộc sống. Tôi cũng đồng tình dù nghĩ rằng vẫn có thể có cách làm khác để đánh giá học sinh được chính xác hơn.

- Bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp năm vừa rồi, theo tinh thần của Bộ GD-ĐT, đề thi môn ngữ văn đã có một cuộc cách mạng: Rút gọn trong 2 câu và thời gian làm bài chỉ còn 120 phút. Quan điểm của thầy về sáng kiến này như thế nào? Liệu phương thức ra đề thi ĐH năm nay có theo hướng đó hay không?

- Chính những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT đã khẳng định, là đề thi ĐH năm nay cũng sẽ được thử nghiệm theo hướng đó. Qua một vài kỳ thi, định hướng ra đề cho các kỳ thi ở những năm sau sẽ hình thành, chuẩn bị cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia kể từ năm 2017.

Tôi rất ủng hộ kiểu ra đề như ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Về cấu trúc, đề chỉ còn 2 câu, vẫn gồm cả câu đọc hiểu và câu nghị luận xã hội. Chỉ có điều đáng tiếc vì lẽ ra, với dung lượng như thế, câu hỏi đầu (3 điểm) đáng được tính 5 điểm, câu 2 làm văn (được tính 7 điểm) cũng chỉ nên cho 5 điểm thôi. Về nội dung, vừa rồi Bộ GD-ĐT đã thể hiện sự mạnh dạn khi quyết định mở rộng câu hỏi ra bên ngoài, ít phụ thuộc vào sách giáo khoa. Tôi nghĩ rằng đề thi ĐH năm nay sẽ được ra theo hướng đó, nhưng do thời gian làm bài vẫn là 180 phút nên cấu trúc đề vẫn có thể gồm 3 câu.

- Theo thầy, về cách ra đề thi môn ngữ văn, giữa hai hướng lựa chọn là nghị luận văn học và nghị luận xã hội thì nên ưu tiên hơn cho hướng nào?

- Nói thật, cho dù rất ủng hộ câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi môn ngữ văn nhưng tôi nghĩ nên có sự hài hòa giữa cuộc sống và văn chương thì tốt hơn. Trước đây, ngay từ những năm bảy mươi đến tám mươi của thế kỷ trước, chúng tôi từng thấy đề thi môn văn ĐH chỉ với duy nhất một câu nghị luận xã hội hoặc pha trộn giữa nghị luận xã hội và văn học.

Nhiều năm qua, chúng ta đã "đẩy" đề thi môn văn đi xa quá, thậm chí, có thời điểm cách ra đề rất phản văn chương. Chẳng hạn, Bộ từng có "sáng kiến sản xuất" một bộ đề thi tuyển sinh môn văn với các mẫu đề có sẵn. Các trường thi hồi đó cứ việc bắt thăm chọn ngẫu nhiên đề thi có sẵn trong cuốn sách này. Kể từ đó, các "lò" luyện thi mọc ra nhan nhản. Có những "lò" luyện mà ở đó người ta chỉ làm mỗi một việc là đọc cho học sinh chép mà thôi.

Tôi nghĩ, hướng đổi mới đề thi của Bộ là tốt nhưng vẫn chưa thật triệt để. Chúng ta phải cải cách tận gốc, nghĩa là phải thay đổi cách dạy và học văn ở trường phổ thông hiện nay.

- Thầy có thể đưa ra lời khuyên thiết thực trước khi thí sinh bước vào kỳ thi ĐH năm nay với môn ngữ văn?


- Theo tôi, nên chú ý rút kinh nghiệm từ chính kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi. Đề thi có thể "ít sách vở" và nhiều thực tế hơn. Để đạt được điểm cao nhất có thể, các em nên chú ý đúng mức tới cách trình bày. Tốt nhất, nên dành 15 phút đầu trước khi làm bài để suy nghĩ, phân tích kỹ đề thi, vạch ra một dàn bài ngắn gọn để tránh sự lan man khi viết. Bài văn nên được viết bằng thứ mực sắc nét, rõ ràng, không tẩy xóa, các luận điểm nên bắt đầu từ đầu dòng, khắc phục tối đa mọi lỗi chính tả và lỗi câu; cần diễn đạt vấn đề một cách trong sáng, rõ ràng, cố gắng làm hết các câu hỏi của đề thi, không bỏ dở bất cứ câu hỏi nào.

- Xin trân trọng cảm ơn thầy!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên có sự hài hòa giữa cuộc sống và văn chương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.