Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên có Nghị quyết sau giám sát về giáo dục đại học

Vân An| 07/06/2010 18:47

(HNMO) - Ngày 7-6, Quốc hội đã dành trọn thời gian để thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.


11 năm, có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, trong những năm qua, GDĐH đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong hơn 10 năm qua, hệ thống văn bản QPPL đã từng bước được bổ sung, đổi mới, góp phần thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về GDĐH. Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nhà nước thực hiện ưu tiên đầu tư cho giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng ở mức cao (20% tổng chi NSNN), giá trị tuyệt đối tăng hằng năm theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nhờ đó, năng lực đào tạo của cả hệ thống được tăng cường với mạng lưới các trường ĐH, CĐ phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, cấp bậc và ngành nghề đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Bằng nhiều phương thức khác nhau, từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn (từ trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lên trường CĐ, từ trường CĐ lên trường ĐH); 9 trường ĐH được nâng cấp từ khoa trực thuộc ĐHQG, ĐH vùng; 7 trường ĐH được thành lập theo phương thức sáp nhập, chia tách và có 58 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoàn toàn. Nhờ đó, 35/63 tỉnh, thành phố có thêm trường ĐH, CĐ mới.

Kết quả cho đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ (chiếm 98%), trong đó 40 tỉnh, thành có trường ĐH (63%) và 60 tỉnh, thành có trường CĐ (95%). Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 412 trường ĐH, CĐ, trong đó có 78 trường ngoài công lập (48 trường ĐH, gồm cả Trường ĐH RMIT Việt Nam, Trường ĐH Anh Quốc và 30 trường CĐ). Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008 - 2009 là 1.719.499 SV, tăng 13 lần so với năm 1987; tỷ lệ SV/số dân năm 1997 là 80 SV/1vạn dân thì đến năm 2009 là 195 SV/1 vạn dân, và năm 2010 có thể đạt 200 SV/1 vạn dân.

Về đào tạo sau đại học, hiện tại cả nước có 142 cơ sở (73 trường ĐH và 69 viện nghiên cứu) được giao nhiệm vụ đào tạo (không kể 28 cơ sở đào tạo thuộc khối quốc phòng - an ninh), trong đó có 30 đơn vị (28 trường ĐH và 2 viện nghiên cứu) chỉ đào tạo trình độ ThS, 56 cơ sở (45 trường ĐH và 11 viện nghiên cứu) đào tạo cả ThS và TS và 56 viện nghiên cứu chỉ tham gia đào tạo trình độ TS. Tổng quy mô đào tạo SĐH năm 2008 - 2009 là 57.479 học viên, trong đó có 5359 nghiên cứu sinh và 52.120 học viên cao học.

Bên cạnh những thành tựu, GDĐH nước ta cũng tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Cụ thể, hệ thống văn bản QPPL được ban hành còn chậm, thiếu đồng bộ, cụ thể, khả thi và chưa hoàn chỉnh; Việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ và mở ngành đào tạo còn nhiều bất cập; Hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư cho GDĐH còn hạn chế; Chất lượng GDĐH, đặc biệt là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; Công tác NCKH chưa được coi trọng và chưa gắn kết với công tác đào tạo.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện đúng chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với GDĐH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội sớm cho xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống GDĐH. Trước mắt, đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về GDĐH sau khi giám sát để tháo gỡ một phần khó khăn, vướng mắc về cơ chế nhằm đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng GDĐH trong giai đoạn hiện nay.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành, UBTVQH đề nghị Chính phủ rà soát lại hệ thống văn bản QPPL về GDĐH; ban hành các tiêu chí xác định trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận“ và “vì lợi nhuận hợp lý“ để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường; dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn; chỉ mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo; nghiên cứu đổi mới cơ chế, tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH tăng cường hoạt động và nâng cao hiệu quả NCKH, chuyển giao công nghệ; đổi mới căn bản và toàn diện quản lý GDĐH theo hướng từng bước giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các trường, tăng cường trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở GDĐH…

Chưa xác định rõ trách nhiệm

Thảo luận về Báo cáo giám sát của QH, đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá nhận xét, báo cáo có phần còn né tránh, ngại va chạm nên chưa mổ xẻ đến nơi, đến chốn để làm sáng tỏ bản chất vấn đề. Đặc biệt, Báo cáo không hề đề cập đến phần trách nhiệm thuộc về ai, nên cuối cùng không ai chịu trách nhiệm và tất cả đều vui vẻ "hòa cả làng".

Đại biểu Cuông đề nghị Quốc hội cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương liên quan, nhất là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và đào tạo và vai trò của Bộ trưởng nói riêng.

“Tại sao Bộ GD&ĐT không tập trung đầu tư vào nhiệm vụ chính là nghiên cứu thực tiễn để xây dựng, ban hành kịp thời, có chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường quản lý nhà nước mà lại can thiệp quá sâu vào công việc của các trường, cho thành lập tràn lan các trường đại học, cao đẳng?”, đại biểu Cuông đặt câu hỏi.

Theo ông, muốn khắc phục được những tồn tại về giáo dục đại học của nước ta hiện nay, ngoài những kiến nghị trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu, cần bổ sung thêm giải pháp khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức nhân sự của Bộ Giáo dục và đào tạo.


Đại biểu Mã Điền Cư - Quảng Ngãi đánh giá, mặt hạn chế của chất lượng đào tạo giáo dục đại học hiện nay thể hiện ở 3 vấn đề: nội dung, chương trình đào tạo; chất lượng giáo trình; chất lượng giảng viên.

“Tôi nhận thấy rằng nội dung chương trình đào tạo giáo dục đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu về thực hành, chưa cung cấp đầy đủ các kỹ năng kiến thức cho sinh viên. Theo một kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội cho thấy, tuy thời gian dành cho giáo dục đại học dài hơn nhưng chương trình đào tạo không hướng trọng tâm đến việc dạy nghề và cũng không đào tạo theo hướng một người có kiến thức sâu và sáng tạo”, đại biểu Cư nói.

Từ đó, đại biểu Cư đề nghị, cần tập trung đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ, tự đánh giá của các trường đại học; Xây dựng các chương trình đào tạo sát với thực tiễn, tăng kỹ năng thực hành; Từng bước bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cải cách điều chỉnh cho phù hợp chế độ tiền lương; Tăng cường đầu tư và hiện đại hóa các cơ sở vật chất đều là phòng học, thiết bị thí nghiệm thực hành, thư viện, giáo trình…

Bàn về chất lượng giáo dục đại học, đại biểu Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng đưa ra một thực tế đáng buồn: “Hơn 35 năm rồi nhưng đất nước của những con người hiếu học này không có một trường đại học đứng vào hàng 200 các trường đại học của Châu Á. Phải chăng khẩu hiệu ngồi đúng chỗ cũng phải đòi hỏi nghiêm túc tại chính cơ quan Bộ Giáo dục và đào tạo?”.

Đại biểu Nghĩa ủng hộ việc bỏ vốn đầu tư mở trường đại học chân chính, nhưng lên án hình thức trục lợi từ hoạt động cao quý này. Từ đó, ông đề nghị có biện pháp cụ thể hạn chế việc đầu tư như một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận, xem xét bãi bỏ quy định về việc cam kết sau 10 năm xây dựng được trường, sở đúng theo quy mô đào tạo.

“Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ cấp phép hoạt động khi đã có đủ điều kiện, cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu và quy mô sư phạm của một cơ sở giáo dục đại học. Không thể có hiện tượng một trường mẫu giáo thì điều kiện trước tiên là phải có trường theo đúng công năng, nhưng trường đại học lại cho phép đi thuê triền miên năm này qua năm khác”, đại biểu Nghĩa nói.

Cùng chung mối quan tâm về chất lượng giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết - Vĩnh Phúc cho rằng, nên tổ chức thanh tra, kiểm tra và kiểm định lại tất cả các trường đại học, kiên quyết giải thể các trường không đủ tiêu chuẩn theo quy định và áp dụng các biện pháp chế tài với tất cả các trường không đạt chuẩn đào tạo và chất lượng đào tạo thấp.

Theo đại biểu Thuyết, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo phải đồng hành với tăng trưởng kinh tế và tăng mức đầu tư ngân sách.

“Chúng ta chưa thể có những trường đại học tiên tiến nếu như mức đầu tư chưa tiên tiến. Quy mô đổi mới thế nào cho phù hợp sẽ tác động đến chất lượng đào tạo”, đại biểu Thuyết nói.

Nên ra Nghị quyết sau giám sát đối với giáo dục đại học

Đó là đề nghị của đại biểu Đặng Thị Nga - Lâm Đồng. Theo đại biểu Nga, nghị quyết cần nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp cũng như chế tài nhằm khắc phục những yếu kém tồn tại mà báo cáo giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu.

Đối với Chính phủ, đại biểu Nga đề nghị chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ, ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát đánh giá thật chặt chẽ khi thẩm định cho mở trường và nâng cấp trường, chỉ khi đảm bảo đủ điều kiện mới cho phép tuyển sinh và thực hiện đào tạo, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở đào tạo đại học sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, thì có thể đình chỉ đào tạo hoặc hạ cấp, kể cả các trường công lập và ngoài công lập.

Đối với Bộ Giáo dục và đào tạo, theo đại biểu Nga, nên phân cấp mạnh mẽ và cụ thể việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng về tổ chức đào tạo, tài chính..., xây dựng cơ chế học phí linh hoạt hơn cho các trường, các ngành học; Nghiên cứu xây dựng quy chế tuyển sinh dự định trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 cho phù hợp với tình hình đào tạo, nhất là các trường đào tạo theo tín chỉ; Xây dựng hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng đại học làm quy chuẩn cho hệ thống giáo dục đại học và tự đánh giá của các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức liên kết, đào tạo hệ phi chính qui và hệ sau đại học, tránh tình trạng liên kết tràn lan trong khi chất lượng đào tạo ngay tại chỗ chưa đáp ứng, đảm bảo…

Tán thành với đề nghị ban hành Nghị quyết tại kỳ họp này đối với giáo dục đại học, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh – Hà Nội đi sâu làm rõ thêm việc chưa có hướng dẫn triển khai quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng của cả nước giai đoạn 2006 - 2020 tại các địa phương. Đại biểu Thanh cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến các địa phương chưa thể tháo gỡ những áp lực xã hội do sự quá tải của các trường đại học, cao đẳng và sinh viên trên địa bàn, chưa tạo được sự gắn kết giữa quy hoạch mạng lưới các trường với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Đại biểu Thanh lấy ví dụ về một dự án của Hà Nội - dự án Đại học quốc gia, mặc dù đặt mục tiêu là đến năm 2010 đào tạo 35 ngàn học sinh, nhưng đến tháng 1/2010 thì quy hoạch xây dựng Đại học Quốc gia mới được phê chuẩn, tổng số vốn đầu tư cho đại học Quốc gia cho đến nay là 880 tỷ đồng/tổng vốn dự toán là 29.000 tỷ đồng, hạng mục duy nhất đã đưa vào sử dụng là khối nhà công vụ nhưng cũng chưa hoàn chỉnh, chưa có một phân khu tái định cư nào được hoàn thành khi số hộ dân cần tái định cư là hơn 700 hộ.

Để tháo gỡ những tồn tại này, đại biểu Thanh cho rằng, phải thực hiện nghiêm việc gắn quy hoạch giáo dục đại học với quy hoạch phát triển kinh tế ở địa phương. Với Thủ đô Hà Nội, đại biểu Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo và các ngành liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn năm 2006 - 2020 trên địa bàn Hà Nội, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 sẽ được Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

“Nếu xuất hiện nhiều bất cập, Chính phủ cũng nên xem xét điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường này cho phù hợp với quy hoạch Thủ đô”, đại biểu Thanh nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Minh - Ninh Thuận nhất trí phải thông qua một nghị quyết tại kỳ họp này.

“Giáo dục đại học của Việt Nam chúng ta đang đứng trước những thách thức gay gắt về chất lượng đào tạo. Đây là vấn đề cốt lõi mà sau giám sát còn phải tập trung khắc phục”, đại biểu Minh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên có Nghị quyết sau giám sát về giáo dục đại học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.