Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên bỏ Thông tư “cãi” Nghị định!

Việt Nga| 11/08/2018 07:48

(HNM) - Theo Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-3-2018), nhà mạng chỉ được khuyến mãi không quá 20% giá trị thẻ nạp cho thuê bao trả trước và không quá 50% với thuê bao trả sau.

Trong khi đó, theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15-7-2018) doanh nghiệp được khuyến mãi, giảm giá tới 100% giá trị hàng hóa dịch vụ. Như vậy, nếu vẫn duy trì thực hiện cả hai văn bản thì xảy ra hiện tượng Thông tư "cãi" Nghị định và hơn 100 triệu thuê bao trả trước sẽ bị thiệt...

Thuê bao trả sau tăng, nhưng...


Theo nhà mạng Vinaphone và MobiFone, kể từ thời điểm ngày 1-3 đến đầu tháng 8-2018, lượng thuê bao chuyển từ trả trước sang trả sau tăng mạnh. Cụ thể, tính đến hết tháng 6-2018, mỗi tháng MobiFone có gần 12.000 thuê bao chuyển đổi từ trả trước sang trả sau, tăng hơn 200% so với giai đoạn trước. Còn Vinaphone cũng có lượng thuê bao chuyển từ trả trước sang trả sau tăng trưởng 96%. Được biết, các thuê bao vẫn mong muốn được hưởng khuyến mãi nhiều hơn. Thông tin này dựa trên việc tập hợp, thống kê phản hồi của khách hàng mà các nhà mạng đã tiếp nhận qua các kênh: Báo chí, Facebook và các mạng xã hội khác, các diễn đàn trực tuyến, tổng đài, bán hàng trực tiếp. Các nhà mạng cũng mong muốn khách hàng được hưởng nhiều lợi ích và nhà mạng có sự chủ động áp dụng mức khuyến mãi trong việc tổ chức khuyến mãi cho khách hàng.

Việc áp dụng mức trần khuyến mãi không quá 20% với thuê bao trả trước, 50% với thuê bao trả sau đã không còn phù hợp với quy định về khuyến mãi.


Về vấn đề này, tại cuộc họp sơ kết ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức vừa qua, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã kiến nghị Bộ nghiên cứu bỏ quy định khống chế các nhà mạng chỉ được khuyến mãi không quá 20% giá trị với thuê bao trả trước và 50% giá trị với thuê bao trả sau. Theo phân tích của Chủ tịch Tập đoàn VNPT, quy định như vậy là chưa phù hợp về quản lý doanh nghiệp, thậm chí không tuân thủ kinh tế thị trường. Vì, ở nước ngoài, việc áp dụng khuyến mãi là do doanh nghiệp căn cứ vào lượng hàng tồn kho để ra quyết định cho chính sách bán hàng của mình, có thể khuyến mãi lên tới 70-80% giá trị hàng hóa. Cùng quan điểm này, ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, việc áp dụng một số chính sách vĩ mô gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và không tuân thủ theo quy luật kinh tế thị trường.

Sau kiến nghị này, Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT) cũng đã yêu cầu các nhà mạng báo cáo đánh giá về tác động sau khi áp dụng Thông tư số 47, nếu thấy không phù hợp, Cục báo cáo lãnh đạo Bộ để sửa đổi.

Nên áp dụng khuyến mãi theo Nghị định số 81

Bà Nguyễn Kim Luyến ở ngõ 101 đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) cho biết, kể từ ngày 1-3 đến nay, khi nhà mạng áp dụng khuyến mãi thấp (20% giá trị), bà đã ít gọi thoại hay nhắn tin hơn, thay vào đó là thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin miễn phí qua mạng xã hội và các dịch vụ của internet.

Trở lại với Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT quy định hạn mức khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất. Việc ra đời thông tư này được kỳ vọng sẽ giúp phát triển thuê bao trả sau, ngăn chặn nạn tin nhắn "rác", sim "rác", góp phần thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển lành mạnh. Song, vấn đề ở chỗ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2018/NĐ-CP (ngày 22-5-2018) quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7-2018 và thay thế Nghị định số 37/2006/NĐ-CP. Nghị định này quy định hạn mức khuyến mãi, giảm giá của hàng hóa, dịch vụ và một trong những điểm đáng chú ý nhất là doanh nghiệp được khuyến mãi, giảm giá 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, thay vì mức trần 50% như trước đây. Nghị định 81 ra đời được coi là một bước tiến dài và phù hợp với nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có căn cứ áp dụng khuyến mãi tới 100% để bán hàng nhằm thu hồi vốn trong những thời điểm như kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng thấp, hàng hóa tồn kho cao...

Với lĩnh vực di động, Nghị định 81 đặt ra vấn đề, các văn bản như Thông tư 47 đang áp dụng sẽ như thế nào? Nghị định 81 không có điều khoản loại trừ áp dụng cho lĩnh vực viễn thông (cụ thể là dịch vụ thông tin di động mặt đất). Nhưng, xét dưới góc độ chuyên ngành thì Thông tư 47 lại quy định cụ thể chính sách về khuyến mãi trong dịch vụ thông tin di động mặt đất. Vì vậy, đây là cái khó cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động khi triển khai. Hiện, các nhà mạng lớn cũng đã có ý kiến với Cục Viễn thông để có hướng dẫn đối với việc triển khai các quy định của Nghị định 81 về khuyến mãi trong lĩnh vực viễn thông.

Như vậy có thể thấy, việc áp dụng mức trần khuyến mãi không quá 20% với thuê bao trả trước, 50% với thuê bao trả sau của Thông tư số 47 đã không còn phù hợp với quy định về khuyến mãi trong Nghị định số 81 có hiệu lực từ ngày 15-7-2018... Vì vậy, việc cân nhắc, đánh giá để có sửa đổi phù hợp, nhằm tránh tình trạng văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, gây khó khăn cho việc thực hiện là cần thiết. Nhất là khi, theo như phản ánh của chính các nhà mạng, quy định của Thông tư số 47 không phù hợp với hoạt động của nền kinh tế thị trường, là can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, việc loại bỏ "rào cản" cũng là cần thiết để giúp các doanh nghiệp phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên bỏ Thông tư “cãi” Nghị định!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.